HIỂU BIẾT VỀ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

admin | 12/05/2021
HIỂU BIẾT VỀ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

                                                                                                      HIỂU BIẾT VỀ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Thuốc bảo vệ thực vật

Thuốc bảo vệ thực vật là là chất hoặc hỗn hợp các chất hoặc chế phẩm vi sinh vật có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn, xua đuổi, dẫn dụ, tiêu diệt hoặc kiểm soát sinh vật gây hại thực vật; điều hòa sinh trưởng thực vật hoặc côn trùng; bảo quản thực vật; làm tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng thuốc.

Dịch hại

Dịch hại bao gồm: Sâu, nhện, bệnh (nấm, vi khuẩn, virút), cỏ dại, chuột, ốc (nhuyễn thể), tuyến trùng hại thực vật, mối, mọt hại nông sản.

Các nhóm thuốc bảo vệ thực vật

Gồm: Thuốc trừ sâu, trừ bệnh (nấm, vi khuẩn), trừ cỏ, trừ nhện, trừ chuột, trừ ốc, trừ tuyến trùng; trừ mối, mọt; thuốc điều hòa sinh trưởng cây trồng.

Tác động của thuốc bảo vệ thực vật

1. Thuốc trừ sâu, nhện, ốc, tuyến trùng, mối, mọt:

- Tiếp xúc: Thuốc tác động qua vỏ cơ thể sâu, nhện, ốc, tuyến trùng...

- Vị độc: Thuốc tác động qua miệng (đường tiêu hoá).

- Xông hơi: Thuốc tác động qua đường hô hấp.

- Nội hấp hay lưu dẫn: Thuốc được hấp thụ vào trong tế bào và lưu dẫn trong cây. Sâu bị chết khi chích hút dịch hoặc ăn bộ phận cây có phun thuốc.

- Thấm sâu: Thuốc thấm vào mô cây và diệt sâu hại sống trong, dưới những nơi dính thuốc.

Ngoài ra một số thuốc có tính xua đuổi hoặc gây ngán ăn đối với sâu, nhện, ốc...

2. Thuốc trừ bệnh:

- Tiếp xúc: Tiêu diệt nấm bệnh khi tiếp xúc với thuốc.

- Nội hấp, lưu dẫn: Thuốc được hấp thụ và lưu dẫn trong cây, tiêu diệt nấm bệnh đã xâm nhiễm vào trong mô cây.

Thuốc trừ bệnh thường có hai tác dụng:

+ Phòng bệnh: Ngăn ngừa nấm bệnh, vi khuẩn xâm nhiễm, gây hại cây trồng và ngăn chặn sự lây lan của nấm bệnh, vi khuẩn.

+ Trừ bệnh: Diệt trừ nấm bệnh, vi khuẩn khi đã xâm nhiễm gây hại cho cây trồng.

3. Thuốc trừ cỏ:

- Tiếp xúc: Diệt các bộ phận cây cỏ khi tiếp xúc trực tiếp với thuốc.

- Nội hấp hay lưu dẫn: Thuốc được cây cỏ hấp thụ và lưu dẫn đến các bộ phận khác để diệt trừ cỏ dại.

- Chọn lọc: Diệt cỏ dại nhưng không hại đến nhóm cỏ khác hoặc cây trồng.

- Không chọn lọc: Diệt tất cả các loại cỏ kể cả cây trồng.

- Tiền nẩy mầm: Diệt cỏ trước khi cỏ nẩy mầm hoặc ngay khi cỏ đang nẩy mầm.

- Hậu nẩy mầm sớm: Diệt cỏ khi cây cỏ đang mọc hoặc mới mọc (cỏ có dưới 2 lá).

- Hậu nẩy mầm muộn: Thuốc có tác dụng diệt cỏ sau khi cỏ đã mọc (cỏ có 3 lá trở lên).

 

Con đường xâm nhiễm của thuốc bảo vệ thực vật vào cơ thể người, động vật

Có ba (3) con đường xâm nhiễm của thuốc bảo vệ thực vật vào cơ thể người, động vật, gồm:

- Qua đường da: Khi tiếp xúc với thuốc. Dạng dầu hoặc bột nhão xâm nhiễm nhanh hơn dạng pha nước. Những bộ phận như: mắt, màng nhĩ tai, da đầu và khu vực da non dễ bị thuốc xâm nhiễm hơn. Sau khi xâm nhiễm thuốc đi vào máu và được dẫn truyền đến mọi nơi trong cơ thể.

- Qua đường hô hấp: Dạng bột mịn (bụi), dạng hun khói (khí), dạng phun mù (sương), hơi thuốc xâm nhiễm qua đường hô hấp; sau đó đi vào máu và được dẫn truyền đến phần còn lại của cơ thể.

- Qua đường miệng: Xâm nhiễm qua đường miệng (đường tiêu hoá) khi nạn nhân uống, nuốt phải thuốc, hoặc có thể là từ tay nạn nhân bị nhiễm thuốc trong khi ăn uống, hút thuốc... Sau khi được hấp thụ, thuốc đi vào máu.

Trong thực tế, nhiễm độc qua đường da và đường hô hấp thường dễ xẩy ra hơn.

Mức độ nguy hiểm của các dạng thuốc bảo vệ thực vật

Khi được sản xuất dưới dạng chế phẩm để sử dụng, các dạng thuốc bảo vệ thực vật có mức độ nguy hiểm khác nhau đối với người và động vật. Mức độ nguy hiểm của thuốc bảo vệ thực vật giảm dần theo thứ tự sau:

Dạng nhũ dầu (EC) ® Dạng dầu nhờn (Oil)  ® Dạng dung dịch (SL)  ® Dạng bột thấm nước (WP)/ dạng huyền phù (SC) ® Dạng bột (D) ® Dạng hạt (GR, WG).

Độc tính của thuốc bảo vệ thực vật

Là khả năng gây độc cho người, vật nuôi và môi trường.

Độc tính của thuốc bảo vệ thwucj vật đối với người, vật nuôi cao hay thấp phụ thuộc vào liều lượng  mà cơ thể  hấp thụ và tần suất tiếp xúc với thuốc. Chính hai tác nhân này sẽ dẫn đến hai kiểu ngộ độc thuốc BVTV: Ngộ độc cấp tínhngộ độc mãn tính.

  • Ngộ độc cấp tính: Xẩy ra khi nạn nhân nhiễm một lượng thuốc BVTV với liều cao, ngay lập tức có biểu hiện ngộ độc hoặc biểu hiện ngộ độc xuất hiện trong vòng 24 giờ sau đó.
  • Ngộ độc mãn tính: Là hậu quả sau khi nạn nhân nhiễm một lượng thuốc BVTV với liều thấp, nhiều lần, trong thời gian dài.

 

Triệu trứng ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật

Có ba mức độ sau:

  • Triệu chứng và dấu hiệu bị ngộ độc nhẹ, gồm: Đau đầu; buồn nôn; chóng mặt; mệt mỏi; có cảm giác ngứa (rát ) da, mắt, mũi, cổ họng; tiêu chảy; vã mồ hôi; ăn không ngon miệng.
  • Triệu chứng và dấu hiệu bị ngộ độc trung bình: Nôn mửa; mờ mắt; bụng đau quặn; mạch nhanh; khó thở; đồng tử mắt co lại; mồ hôi đầm đìa; cơ run rẩy; quằn quại; mệt mỏi và đau đớn.
  • Triệu chứng và dấu hiệu bị ngộ độc nặng: Co giật; thở yếu; không tỉnh táo; không bắt được mạch. Trong một vài trường hợp có thể bị tử vong.

Một số dạng thuốc bảo vệ thực vật được dùng phổ biến ở Việt Nam

  • Dạng EC: Thuốc sữa đậm đặc hay còn gọi là thuốc nhũ dầu
  • Dạng WP: Thuốc bột thấm nước
  • Dạng SP: Thuốc bột hoà tan trong nước
  • Dạng GR: Thuốc dạng hạt
  • Dạng WG: Thuốc hạt phân tán trong nước
  • Dạng SL: Thuốc dạng lỏng tan trong nước
  • Dạng SC: Thuốc dạng huyền phù.
  • Dạng OL: Thuốc dạng lỏng trộn dầu
  • Dạng ME: Thuốc dạng vi sữa
  • Dạng EW: Thuốc dạng sữa dầu trong nước
  • Dạng ES: Thuốc dạng sữa xử lý hạt giống
  • Dạng DP: Thuốc bột (phun bột trực tiếp, không cần pha với nước)
  • Dạng CS: Huyền phù viên nang
  • Dạng GB: Bả hạt (bả dạng hạt)
  • Dạng LS: Dung dịch để xử lý hạt giống

Thời gian cách ly (Pre-harvest interval)

Là khoảng thời gian tính từ ngày cây trồng hoặc sản phẩm cây trồng được xử lý thuốc BVTV lần cuối cùng cho đến ngày được thu hoạch, sử dụng làm thức ăn, thức uống mà không làm tổn hại đến sức khoẻ cho người và vật nuôi.

Dư lượng thuốc BVTV (Pesticidal residue)

Là lượng chất độc còn lưu lại trong nông sản hoặc môi trường sau khi xử lý thuốc BVTV. Dư lượng được tính bằng microgam (mg) chất độc trong 1 kg nông sản hoặc thể tích không khí, nước hoặc khối lượng đất.

MRL (Maximum residue levels)

Là mức dư lượng tối đa được phép tồn lưu trong nông sản mà không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi.

ADI  (Acceptable daily intake)

Là lượng chất độc được hấp thu trong 1 ngày mà không gây hại cho người hoặc vật nuôi, được tính bằng miligam (mg) hay microgam (mg) chất độc cho 1 kg trọng lượng cơ thể.

Nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc BVT V

1. Đúng thuốc:

Sử dụng đúng loại thuốc, dạng thuốc để phòng trừ đối tượng dịch hại.

2. Đúng liều lượng, nồng độ:

 Pha thuốc đúng liều lượng hoặc nồng độ, phun đủ lượng nước thuốc cho 1 đơn vị diện tích như hướng dẫn trên nhãn thuốc.

3. Đúng lúc:

Tuỳ từng đối tượng dịch hại để xử lý thuốc đúng thời điểm theo hướng dẫn trên nhãn thuốc. Dùng thuốc khi dịch hại còn ở diện hẹp và ở các thời kỳ dễ mẫn cảm với thuốc: Sâu, nhện, ốc... còn nhỏ; bệnh mới xuất hiện...

4. Đúng cách:

Phun, rải đều lượng nước, thuốc; đảm bảo hạt nước thuốc nhỏ, dính bám đều trên lá, thân cây trồng. Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát. Không phun thuốc ngược chiều gió. Không phun thuốc khi cây đang ra hoa, thụ phấn.

                                                                     
                                                                                            

 

1 bình luận

NNhan

thuốc có ảnh hưởng tới vấn đề sinh sản ở người không ?

Trả lời.
Thông tin người gửi
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
0.04434 sec| 2589.031 kb