NGỘ ĐỘC THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

admin | 25/05/2021
NGỘ ĐỘC THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

TRIỆU CHỨNG VÀ XỬ LÝ NGỘ ĐỘC THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có vai trò quan trọng trong việc phòng trừ dịch hại bảo vệ mùa màng và các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Tuy nhiên hầu hết các loại thuốc BVTV có chứa hoạt chất độc với người, vật nuôi và môi trường. Vì vậy các biện pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng cũng như cách nhận biết và xử lý ngộ độc thuốc BVTV là điều cần biết của mọi người.

1. Làm thế nào để nhận biết ngộ độc thuốc BVTV

nhiều quốc gia, việc một số lớn người bị ốm, chết vì ngộ độc có liên quan đến thuốc BVTV là điều không thể chấp nhận được. Tuy nhiên nhiều vụ ngộ độc thuốc BVTV thường không được nhận biết vì thiếu hiểu biết về nguyên nhân và triệu chứng bị ngộ độc, kết quả dẫn đến tình trạng nạn nhân bị ốm hoặc tử vong.

Ngoài các vụ ngộ độc do cố tình uống thuốc độc để tự tử, còn lại phần lớn các vụ ngộ độc do vô tình có thể được ngăn ngừa nếu các biện pháp bảo hộ an toàn được thực hiện đầy đủ, đúng theo quy định. Tuy vậy tình trạng bị ngộ độc vẫn cứ xảy ra, do đó những người vì lý do công việc phải tiếp xúc với thuốc BVTV hoặc người có trách nhiệm quản lý thuốc BVTV cần phải có kiến thức nhất định để nhận biết và xử lý các vụ ngộ độc thuốc BVTV.

Triệu chứng ngộ độc thuốc BVTV có thể xuất hiện hầu như ngay lập tức sau khi bị nhiễm thuốc hoặc có thể được tiềm ẩn trong thời gian dài hàng giờ hoặc thậm chí lâu hơn.

Các nhóm thuốc BVTV khác nhau với đặc tính lý, hoá học cùng phương thức tác động riêng của chúng có thể tạo ra các kiểu ngộ độc khác nhau, do đó tuỳ theo từng loại cần có các biện pháp xử lý khác nhau. Mức độ nguy hiểm (nặng, nhẹ) của các vụ ngộ độc tuỳ thuộc vào độc tính của từng loại thuốc, liều lượng và cách thức bị nhiễm độc cũng như thời gian tiếp xúc với thuốc. Có thể có ba mức độ sau:

  • Triệu chứng và dấu hiệu bị ngộ độc nhẹ, gồm: Đau đầu; buồn nôn; chóng mặt; mệt mỏi; có cảm giác ngứa (rát ) da, mắt, mũi, cổ họng; tiêu chảy; vã mồ hôi; ăn không ngon miệng.
  • Triệu chứng và dấu hiệu bị ngộ độc trung bình: Nôn mửa; mờ mắt; bụng đau quặn; mạch nhanh; khó thở; đồng tử mắt co lại; mồ hôi đầm đìa; cơ run rẩy; quằn quại; mệt mỏi và đau đớn.
  • Triệu chứng và dấu hiệu bị ngộ độc nặng: Co giật; thở yếu; không tỉnh táo; không bắt được mạch. Trong một vài trường hợp có thể bị tử vong.
  • Nếu có ai đó bị tai nạn do thuốc BVTV dội xuống người và nạn nhân ngay lập tức bị hôn mê, lúc này không  còn  gì phải nghi ngờ  và các biện pháp cấp cứu ngộ độc cần phải được tiến hành ngay.

 

Việc nhận biết các trường hợp ngộ độc nhẹ gặp nhiều khó khăn vì triệu chứng đôi khi khó phân biệt với các ảnh hưởng do căng thẳng thường xảy ra trong cuộc sống.

Nếu ngộ độc không có liên quan trực tiếp đến việc sử dụng thuốc BVTV, nhưng các biểu hiện bên ngoài của nạn nhân có dấu hiệu nghi ngờ, hoặc có triệu chứng xuất hiện, khi đó nên tham khảo ý kiến của bác sỹ.

Ngộ độc thuốc BVTV có thể bị lầm lẫn với các loại bệnh lý khác như: Cảm nắng, viêm phổi, hen xuyễn, giảm đường huyết, hoặc các bệnh đường ruột ...Do vậy nhất thiết phải được bác sỹ chuẩn đoán chính xác.

Triệu chứng ngộ độc cấp tính nói chung xảy ra trong vòng 12 giờ sau khi nhiễm độc. Nếu triệu chứng xuất hiện muộn hơn (quá 12 giờ) thì nguyên nhân ngộ độc có thể không phải do thuốc BVTV. Tuy nhiên tốt nhất nên đưa nạn nhân đến bác sỹ kiểm tra để có kết luận chính xác. Dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc thuốc BVTV thường diễn tiến theo trình tự có thể đoán trước được, do vậy nếu nghi ngờ bị ngộ độc thuốc BVTV cần đưa ngay nạn nhân đến bệnh viện hoặc trạm y tế.

Cần thông báo cho bác sỹ đầy đủ thông tin về thuốc BVTV mà nạn nhân bị ngộ độc, tốt nhất nên mang theo cả chai, gói thuốc còn nguyên nhãn để bác sỹ tham khảo. Đồng thời cần mô tả (nếu có thể) diễn biến xảy ra ngộ độc.

Bác sỹ và nhân viên của bệnh viện, trạm y tế  nên làm quen với trình tự xử lý ngộ độc thuốc BVTV.

Cơ quan quản lý và đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV cần hợp tác chặt chẽ với bệnh viện, trạm y tế trong việc cung cấp thông tin cần thiết về thuốc BVTV (độ độc, dạng thuốc, con đường tác động ...)

Mỗi nhóm thuốc BVTV có thể có thuốc giải độc đặc hiệu, các thông tin này cần được ghi rõ trên nhãn chai, gói thuốc. Việc điều trị, xử lý ngộ độc thuốc BVTV cần được các bác sỹ có chuyên môn thực hiện kịp thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra.

2. Các kiểu ngộ độc thuốc BVTV

Có hai kiểu ngộ độc thuốc BVTV:

  • Ngộ độc cấp tính: Là hậu quả xẩy ra tức thời khi cơ thể bị nhiễm chất độc.
  • Ngộ độc mãn tính: Là hậu quả của quá trình thường xuyên bị nhiễm độc với liều lượng thấp dưới mức gây ngộ độc cấp tính trong thời gian kéo dài.

Cả hai trưòng hợp ngộ độc cấp tính và mãn tính là hậu quả của việc cơ thể bị nhiễm chất độc qua đường miệng, đường da hoặc đường hô hấp.

  • Qua đường miệng: Có thể là do uống, nuốt phải chất độc, khi đó chất độc xâm nhập vào máu. Các trường hợp chất độc thuốc BVTV xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng thường xẩy ra theo các cách sau: Do cố ý uống, nuốt (tự tử), do dùng miệng thổi đầu vòi bình bơm phun thuốc, ăn uống, hút thuốc trong khi đang sử dụng thuốc hoặc sau khi đã sử dụng thuốc nhưng không tắm rửa sạch sẽ; sử dụng vỏ chai, gói đựng thuốc để chứa thực phẩm, đồ uống ...
  • Qua đường da: Thuốc BVTV được hấp thụ qua da. Trong quá trình sử dụng thuốc BVTV, các phần cơ thể như: tay, chân, mặt, lưng ... nếu không được bảo vệ bằng các dụng cụ bảo hiểm thường dễ bị nhiễm độc.
  • Qua đường hô hấp: Chất độc xâm nhập qua mồm, mũi vào đường hô hấp và vào đến phổi. Dạng thuốc bột mịn có kích thước hạt nhỏ hơn 10 micromét (mm), các dạng thuốc ở dạng sol khí ... thường là thủ phạm của các vụ ngộ độc này. Đồng thời các loại thuốc có tác động xông hơi cũng rất dễ gây ra ngộ độc qua đường hô hấp.

 

3. Sơ cứu nạn nhân

Sơ cứu nạn nhân là việc làm rất quan trọng. Việc sơ cứu cần được tiến hành ngay trong 5 phút đầu sau khi nạn nhân bị nhiễm độc để xác định xem nạn nhân còn sống hay đã chết. Trong lúc tiến hành sơ cứu cần cử người đến trạm y tế thông báo tình hình để chuẩn bị chữa trị.

Việc sơ cứu thực hiện qua các bước sau:

- Di chuyển nạn nhân ra khỏi khu vực có thuốc BVTV, nới lỏng quần áo nạn nhân để dễ thở.

- Kiểm tra xem nạn nhân còn thở không? Nếu nạn nhân ngừng thở phải làm hô hấp nhân tạo. Trong khi làm hô hấp nhân tạo cho nạn nhân chú ý tránh để mình bị nhiễm độc.

- Ngay lập tức cởi bỏ quần áo nhiễm thuốc của nạn nhân, lau rửa sạch toàn thân nạn nhân với nước sạch và xà phòng. Không dùng bàn chải cứng vì dễ gây xước da nạn nhân, đồng thời phải gội đầu sạch sẽ, cắt móng tay và rửa sạch tay cho nạn nhân.

- Nếu mắt nạn nhân bị nhiễm thuốc BVTV, ngay lập tức phải rửa bằng nước sạch ít nhất trong 15 phút. Nếu chỉ một mắt bị nhiễm thuốc, tránh để dây thuốc dây sang mắt kia. Giúp nạn nhân  mở mắt, cho nước sạch chảy qua nhẹ nhàng. Sau đó để mắt nhắm lại và che một miếng vải mềm sạch. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện hoặc trạm y tế gần nhất.

- Nếu uống, nuốt phải thuốc: KHÔNG ĐƯỢC LÀM NÔN MỬA trừ khi:

       Có chỉ dẫn riêng biệt trên nhãn thuốc cần làm nôn mửa ngay.

       Nguyên liệu thuốc BVTV bị uống nuốt phải là một trong số các loại thuốc trừ cỏ  Bipyridylium (Paraquat, Diquat).

       Nguyên liệu thuốc BVTV có giá trị LD50 cấp tính, đường miệng nhỏ hơn 20 mg.

Nếu nạn nhân còn tỉnh táo và khi được chỉ định làm cho nôn mửa, có thể cho ngón tay  vào họng nạn nhân để gây nôn mửa, tránh để nạn nhân cắn vào tay mình.

Không dùng nước muối để làm nôn mửa và KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC CHO BẤT CỨ VẬT GÌ VÀO MỒM NẠN NHÂN ĐÃ BỊ BẤT TỈNH.

Nếu nạn nhân còn tỉnh táo nhưng không có chỉ định làm nôn mửa thì cho nạn nhân uống than hoạt tính dùng trong y học (nếu có sẵn). Việc ngăn chặn ngộ độc qua đường tiêu hoá có thể được xử lý bằng việc cho uống than hoạt tính vì than hoạt tính có thể hấp thụ hầu hết chất độc, trừ Cyanide .

Chuẩn bị hỗn hợp sền sệt than hoạt tính bằng cách trộn 3 thìa cà phê bột than mịn trong 1/2 cốc nước. Có thể tiếp tục cho nạn nhân uống than hoạt tính nếu cần.

Nếu nạn nhân bị co giật, phải chú ý theo dõi tránh để nạn nhân tự làm tổn thương, thông thường nạn nhân hay cắn phải lưỡi do đó nên cho khăn mùi xoa hoặc miếng vải sạch vào giữa hai hàm răng nạn nhân.

  Để nạn nhân nằm yên tĩnh và giữ ấm cho nạn nhân.

  Nếu nạn nhân bất tỉnh:

  • Để nạn nhân nằm nghiêng nơi thoáng mát. Lau sạch mồm,  mũi  cho nạn nhân.
  • Đảm bảo rằng nạn nhân có thể thở được (cần kéo lưỡi nạn nhân ra để tránh lưỡi tụt vào họng).
  • Giữ nạn nhân nằm nghiêng, đầu thấp hơn bụng.
  • Cần đưa ngay nạn nhân đến bệnh viện và thường xuyên theo dõi nạn nhân.

          Nếu nạn nhân khó thở:

  • Kiểm tra xem liệu mồm, mũi nạn nhân có bị đờm hoặc vật gì làm tắc nghẽn không ? Nếu có, phải làm sạch ngay.
  • Đặt nạn nhân nằm ngửa, nâng cổ nạn nhân để cho mặt ngửa lên. Giữ nguyên tư thế này cho đến khi nạn nhân thở được.

           Nếu nạn nhân ngừng thở:

  • Bằng mọi cách phải làm cho nạn nhân thở được.
  • Làm hô hấp nhân tạo:

Một tay nâng cằm nạn nhân lên, tay kia giữ cho đầu ổn định.

Hít thật sâu, áp mồm vào mũi nạn nhân và từ từ thổi vào cho đến khi thấy ngực nạn  nhân phồng lên. Trong lúc tiến hành phải bịt mồm nạn nhân lại.

Rời khỏi mũi nạn nhân và để nạn nhân thở ra.

Lập lại động tác này 10 lần /phút.

                   Không dừng lại cho đến khi còn có thể cứu sống nạn nhân.

     Khi nạn nhân bắt đầu thở lại, tránh để bị sốc.

4. Điều trị ngộ độc thuốc BVTV

Việc chữa trị ngộ độc thuốc BVTV tuỳ thuộc vào từng loại thuốc, do đó nhãn thuốc và các tài liệu kỹ thuật có liên quan luôn cần thiết đối với bác sỹ. Một ví dụ trong điều trị ngộ độc thuốc BVTV là: Đối với Paraquat và  Diquat,  cả hai là thuốc trừ cỏ gốc Bipyridylium có độc tính cao dễ dẫn đến tử vong nếu uống, nuốt phải và gây bỏng da, mắt nếu bị thuốc tiếp xúc. Trên nhãn chai, gói thuốc phải ghi đầy đủ thông tin về sơ cứu, chữa trị và chất giải độc.

5. Chỉ dẫn về chữa trị ngộ độc thuốc BVTV

5.1   Đối với ngộ độc thuốc thuộc nhóm lân hữu cơ:

Các loại thuốc BVTV thuộc nhóm lân hữu cơ ức chế sự hoạt động của men cholinesteraza.  Atropine là thuốc giải độc nhanh, dùng để cấp cứu nạn nhân. Trong mọi trường hợp ngộ độc nặng cần tiêm thuốc giải độc càng sớm càng tốt, thích hợp nhất là tiêm vào tĩnh mạch (IV). Tiêm Atropine sulfate  với liều lượng 2 - 4 mg cho người lớn (0,04 - 0,08 mg/kg trọng lượng cơ thể đối với trẻ em) cách nhau 3 - 10 phút cho đến khi thấy nạn nhân hồi tỉnh, được biểu hiện như: đồng tử mắt dãn ra, da dẻ hồng hào dần ... Trong những giờ đầu cấp cứu liều lượng 20 - 80 mg  Atropine sulfate  hoặc liều cao hơn có thể được dùng. Nếu tiêm vào bắp thịt (IM) thì nhất thiết không được tiêm quá liều.

Trong lúc chăm sóc cho nạn nhân hồi phục, có thể dùng thêm Oxime        (chất hoạt hoá cholinesteraza), ví dụ: 2- PAM hoặc P2S (CONTRATHION  - specia), liều 1000 - 2000 mg, tiêm tĩnh mạch (IV) hoặc tiêm bắp (IM) cho người lớn hoặc 250 mg cho trẻ em. Có thể tiêm lặp lại, nếu cần thiết, sau đó 30 phút với 1/2 liều lượng. TOXOGONIN-Merck là chất hoạt hoá cholinesteraza có thể được dùng thay cho 2-PAM hoặc P2S ở liều 250 mg tiêm ven hoặc tiêm bắp cho người lớn, 4 - 8 mg /kg cho trẻ em. Nếu cần thiết tiêm thêm lần 2 sau 1 - 2 giờ. Chất hoạt hoá  cholinesteraza  nên được bổ xung vào cơ thể trong vòng 36 giờ sau khi bị nhiễm độc. Nếu nạn nhân bị co giật có thể điều trị bằng Diazepam (VALIUM- Roche, STESOLID-Dumex) 5-10 mg tiêm ven từng loại riêng rẽ. Nếu cần thiết tiếp tục điều trị cho đến khi hết co giật.

Chống chỉ định dùng morphine hoặc các dẫn xuất khác của opiates, phenothiazines, succinylcholine, xanthine, epinefrine và barbiturates.

Để nạn nhân nơi thoáng gió và theo dõi nhịp thở. Việc làm hô hấp nhân tạo có thể được tiến hành. Theo dõi nạn nhân trong bệnh viện ít nhất 24 giờ. Ngăn ngừa việc mất nước. Nếu thấy cần thiết có thể truyền qua đường ven (tĩnh mạch) dung dịch đường dextroza hoặc fructoza, dung dịch điện phân ... khi được chỉ thị bởi phổ kế điện phân, pH của máu...

Chuẩn đoán ngộ độc thuốc trừ sâu nhóm lân hữu cơ nên được xác định càng sớm càng tốt qua việc xác định hoạt tính men cholinesteraza trong máu tĩnh mạch.

5.2  Đối với ngộ độc thuốc nhóm clo hữu cơ:

Thuốc BVTV thuộc nhóm clo hữu cơ là tác nhân kích thích hệ thần kinh trung ương. Nhiều trường hợp ngộ độc có thể gây nên co giật mà không có triệu chứng ban đầu. Tình trạng co giật có thể xảy ra muộn khoảng 48 giờ sau khi nhiễm độc.

Việc điều trị dựa vào triệu chứng và nên đặt mục tiêu nhằm chống co giật, tạo khả năng hồi phục và đảm bảo đủ ôxy cho mô hoạt động.

Cần đảm bảo sự thoáng khí (nếu cần thiết cho thở ôxy). Duy trì để phổi hoạt động bình thường, có thể làm hô hấp nhân tạo.  Nếu nạn nhân uống, nuốt phải thuốc cần phải rửa dạ dầy càng sớm càng tốt, tránh để nước vào trong phổi. Sau đó có thể cho nạn nhân uống 3-4 thìa (thìa ăn súp) dung dịch than hoạt tính hoặc sodium sulfate 30%. Không được cho nạn nhân uống sữa, dầu và các loại chất béo khác vì điều này có thể đẩy mạnh sự hấp thụ hoạt chất độc thuộc nhóm clo hữu cơ qua đường ruột. Trong trường hợp uống, nuốt phải thuốc ở dạng nhũ dầu (EC) có thể xuất hiện hơi hoá chất do dung môi còn lưu lại ở đường hô hấp, cần phải được xử lý thích hợp.

Không bao giờ được dùng morphine hoặc các dẫn xuất của morphine và nor-adrenaline vì ảnh hưởng có hại của chúng đến trung tâm hô hấp và vì chúng có thể làm tăng độ nhạy cảm của cơ tim, gây kích thích và tạo nên chứng loạn nhịp tim.

Đơn thuốc dùng để chữa trị tình trạng co giật: Thuốc an thần và thuốc ngủ được dùng để giúp nạn nhân tránh được cơn co giật.

Bảng 5.1: Liều lượng dùng đối với benzodiazepine

Thuốc

Người lớn

Trẻ em

> 12 tuổi

2 – 12 tuổi

< 2 tuổi

 Diazepam rectiole

-

-

-

2 mg

Diazepam IV

10 mg

10 mg

5 mg

2 mg

Clonazepam IV

1 mg

1 mg

0,5 mg

0,2 ng

 

Thuốc điều trị là các loại benzodiazepine chống co giật clozepam hoặc diazepam. Về mặt dược học không có sự khác nhau giữa hai loại thuốc này tuy nhiên clozepam có tác động chống co giật chọn lọc hơn so với diazepam. Chúng có điểm chung là công hiệu bị suy yếu nhanh chóng do thuốc được tái phân tán đến các mô khác. Do đó nên tiếp tục tiêm (truyền) vào tĩnh mạch diazepam hoặc clonazepam để duy trì đủ lượng máu nhằm chống lại sự co giật (xem bảng 5.1)

Benzodiapine tương đối an toàn và ít rủi ro hơn so với các loại thuốc giảm đau khác như barbiturates.

Khi tình trạng co giật đã hết và không tái diễn lại, bệnh nhân có thể uống, nuốt được, cần tiếp tục điều trị với phenobarbitone hoặc các loại thuốc chống co giật khác trong vòng 2-4 tuần.

  • Barbiturates

Nếu không có clozepam hoặc diazepam thì có thể dùng barbiturates. Trái với hầu hết các loại barbiturates, phenobarbital có ưu điểm chống co giật cao hơn so với tác dụng giảm đau và bởi vậy có thể lựa chọn barbiturates.

Có thể tiêm bắp (IM) với lượng thấp phenobarbital sodium. Điều cần chú ý là phải chờ khoảng 15 phút sau liều ban đầu (200 mg) xem công hiệu của thuốc và quyết định xem liệu có cần thiết phải tiêm tiếp không  (xem bảng 5.2)

Giảm đau là tác dụng phụ chủ yếu khi điều trị bằng loại thuốc này, việc suy giảm hô hấp đặc biệt nguy hiểm khi bị tắc thở.

Bảng 5.2:  Liều lượng dùng hàng ngày cho barbiturates

 

Thuốc

Người lớn

Trẻ em

> 12 tuổi

< 12 tuổi

Phenobartial sodium IV (IM)

 

1 – 5 mg/kg

 

1 – 5 mg/kg

 

3 – 6 mg/kg

                  

Khi tình trạng co giật đã ở dưới mức cần điều trị, không có hiện tượng tái diễn và bệnh nhân có thể uống, nuốt cần tiếp tục điều trị bằng phenobarbitone hoặc các loại thuốc chống co giật khác trong vòng 2-4 tuần.

5.3   Đối với ngộ độc thuốc nhóm carbamate:

Hoạt chất thuộc nhóm carbamate là các chất ức chế cholinesteraza. Atropine là chất giải độc khẩn cấp.

Trong nhiều trường hợp ngộ độc, cần phải tiêm atropine sulfate càng sớm càng tốt, nên tiêm vào tĩnh mạch (IV) với liều lượng 2-4 mg cho người lớn (0,4-0,8 mg/kg trọng lượng cơ thể cho trẻ em), cứ 3-10 phút tiêm một lần cho đến khi đồng tử mắt giãn ra, da dẻ hồng hào trở lại và miệng khô. Trong những giờ điều trị ban đầu, 20-80 mg hoặc liều lượng atropine sulfate cao hơn có thể được dùng. Nếu phải tiêm atropine sulfate vào bắp thịt cần chú ý không được dùng quá liều.

Tình trạng co giật có thể được điều trị bằng diazepam (VALIUM-Roche, STESOLID-Dumex) 5-10 mg (IV) riêng rẽ. Nếu cần thiết có thể lặp lại cho đến khi hết co giật. Các oxime như 2-PAM, P2S, TOXOGONIN là các loại thuốc chống chỉ định, đồng thời cũng chống chỉ định đối với morphine, opiates, phenothiazines, succinylcholine, dẫn xuất của xanthine, epinethrine và barbiturates.

Giữ cho thoáng gió và theo dõi hô hấp. Hô hấp nhân tạo có thể được áp dụng. Theo dõi bệnh nhân ít nhất 24 giờ trong bệnh viện. Nếu cần thiết có thể tiếp dung dịch đường fructoza hoặc dextroza... được chỉ thị bằng ống đo tỷ dung tế bào máu, pH của máu.

Việc chuẩn đoán ngộ độc thuốc carbamate nên có kết luận càng sớm càng tốt qua việc xác định hoạt tính cholinesteraza trong máu tĩnh mạch. Quá trình phục hồi của cholinesteraza trong trường hợp này thường nhanh hơn so với  khi bị ngộ độc thuốc thuộc nhóm lân hữu cơ (ops).

 6.  Ngộ độc enzym cholinesteraza

Thuật ngữ cholinesteraza đề cập tới một số các enzym trong cơ thể mà chúng có khả năng phân cắt hoặc thuỷ phân acetylcholine. Đây là chất trung gian được phát hiện trong toàn bộ hệ thần kinh trung ương, ở các điểm nối khác nhau trong hệ thần kinh và điểm kết thúc trong các tuyến và cơ khác nhau trong cơ thể (như là mắt, đường tiêu hoá, phổi). Khi tín hiệu truyền từ não đến cơ nó phải đi qua một số đầu mút thần kinh. Tại đầu mút, chất trung gian acetylcholine - được giải phóng ở điểm cuối đầu mút để kích thích thần kinh tiếp sau và sau đó nó nhanh chóng bị  acetylcholinesteraza phân giải khiến cho tác dụng kích thích của nó không còn nữa. Nhiều acetylcholine được hình thành vì cần cho các xung động thần kinh tiếp theo. Acetylcholine và cholinesteraza enzym luôn ở trong trạng thái cân bằng động, chúng tác dụng tương hỗ để điều chỉnh hệ thống thần kinh phức hợp, kiểm soát các chức năng của cơ thể. Nhưng nếu acetylcholinesteraza không được tạo thành thì acetylcholine tích luỹ ở đầu mút cuối của sợi thần kinh. Sự dẫn truyền xung động thần kinh khi đó không bị dừng lại và cử động của cơ vượt ra ngoài sự kiểm soát. Hiện tượng này xảy ra khi cholinesteraza enzym không hoạt động do bị ngộ độc thuốc BVTV thuộc nhóm lân hữu cơ (ops) hoặc carbamate.

Sự khác nhau về triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng tuỳ thuộc vào mức độ nhiễm độc và hệ thống cơ quan trong cơ thể bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên mức cholinesteraza trong mô và trong huyết thanh máu cũng có thể bị giảm xuống, bởi vậy nó có thể được coi là chỉ số của mức độ ngộ độc (mức trong máu có thể thấp đáng kể mà không ảnh hưởng nguy hiểm đến chức năng bình thường). Có ít nhất hai dạng cholinesteraza tồn tại trong cơ thể. Dạng phân cắt acetylcholine cũng được phát hiện trên bề mặt tế bào máu đỏ và được biết đến như là “cholinesteraza tế bào máu đỏ”. Dạng khác, cũng phân cắt hợp chất choline, được biết đến như là “cholinesteraza huyết thanh”. Vì hoạt tính của cả hai dạng enzym có thể được đo một cách chính xác bằng phương pháp trong phòng thí nghiệm, bởi vậy mức độ nhiễm độc thuốc BVTV thuộc nhóm lân hữu cơ hoặc carbamate có thể được đánh giá bằng việc đo hoạt tính cholinesteraza trong máu.

Xét nghiệm cholinesteraza có giá trị: Thứ nhất, đây là giá trị cực đại và đáng tin cậy trong những trường hợp chuẩn đoán ngộ độc thuốc lân hữu cơ hoặc carbamate; thứ hai, các xét nghiệm bình thường có giá trị trong việc kiểm tra lượng cholinesteraza của người tiếp xúc với thuốc lân hữu cơ và carbamate. Các xét nghiệm này có tác dụng phòng ngừa cho công nhân hàng ngày phải tiếp xúc với thuốc BVTV tránh bị ốm đau, bệnh tật.

Để có thể sử dụng kết quả xét nghiệm cholinesteraza trong máu (kể cả trong trường hợp cấp cứu hoặc thường nhật) nhất thiết phải có số liệu đo của từng người trước mùa vụ tiếp xúc với thuốc BVTV. Thông qua đó mới có thể so sánh xem cholinesteraza có bị giảm không. Không có mức chuẩn về cholinesteraza vì nó thay đổi trong mỗi người.

Số liệu cholinesteraza thấp có thể không tương ứng với áp lực thuốc BVTV, nhưng khi bị ngộ độc nặng lượng cholinesteraza có thể bị giảm đáng kể trong cơ thể và trong mỗi vụ cần phải định kỳ khám sức khoẻ cho công nhân.

Khả năng phục hồi của enzym cholinesteraza:

Nếu thiếu sự can thiệp của y học, khả năng phục hồi của enzym cholinesteraza rất chậm. “Cholinesteraza tế bào đỏ” thường đòi hỏi phải mất 120 ngày mới kịp hồi phục từ giá trị rất thấp đến mức bình thường trong khi “cholinesteraza plasma - huyết thanh” (do gan sinh ra) phục hồi trở lại mức bình thường trong khoảng 30 ngày. Nếu trong giai đoạn “phục hồi” tiếp tục tiếp xúc với thuốc BVTV nhóm lân hữu cơ hoặc carbamate thì quá trình phục hồi trở lại mức bình thường bị kéo dài thêm. Do vậy cần phổ biến cho công nhân biết để phòng tránh. Khi nạn nhân đã hồi phục với dấu hiệu như: không nôn, không sốt ... cần phải để nạn nhân nghỉ ngơi và cách ly khỏi nơi có thuốc BVTV (kho chứa, xưởng, ruộng đã phun thuốc...) 15 ngày.

Nếu nhiễm độc thuốc nhóm lân hữu cơ và bệnh nhân đã từng điều trị nhiều lần do ngộ độc cholinesteraza thì nhất thiết không được để anh ta tiếp xúc với thuốc ít nhất trong vòng 3 tháng.

Nói chung vì phức hợp carbamate-cholinesteraza ít bền hơn so với phức hợp lân hữu cơ-cholinesteraza, vì vậy ảnh hưởng của thuốc carbamate có chiều hướng không kéo dài như thuốc lân hữu cơ. Với một vài loại thuốc nhóm carbamate, mức cholinesteraza có khả năng hồi phục rất nhanh vì thế khi kiểm tra cholinesteraza trong máu có thể không phát hiện được ngay, do đó khó có thể xác định đã bị ngộ độc hay không.

Để theo dõi tình trạng ngộ độc thuốc BVTV, cần phải có sổ theo dõi riêng cho từng người.

       

0 bình luận

TVQuản trị viênQTV

Chào mừng, quý khách. Hãy để lại nhận xét, chúng tôi sẽ trả lời sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
0.05162 sec| 2712.867 kb