Đặt câu hỏi
Thông tin cá nhân
Câu hỏi
Chuyên mục hỏi đáp
Câu hỏi
Ốc sên nhỏ hại cây thanh long và biện pháp phòng trừ
Người gửi: Ông Nguyễn Thành, một người trồng thanh long ở xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận hỏi: “Thời gian này ốc sên nhỏ xuất hiện hầu như vườn nào cũng rất nhiều. Chúng hại thanh long dữ lắm, những nhà vườn tại đây rất đau đầu vì tác hại của ốc s - 07/10/2021
Trả lời

Theo cơ quan chuyên môn cho biết thì ốc sên nhỏ (Bradybaena similaris Ferus) đang là đối tượng dịch hại phổ biến trên cây thanh long tại Bình Thuận. Ốc sên nhỏ đặc biệt gây hại mạnh vào mùa mưa khi cây thanh long bước vào thời kỳ chong đèn, nếu không quản lý chúng sẽ gây hại và cắn phá cành non, hoa và trái, làm giảm năng suất, mẫu mã, giá trị trái thanh long. Trái thanh long bị ốc sên cắn phá sẽ bị trầy xước, rất dễ thối hỏng và bán bị mất giá.

Nhiều hộ dân dùng phương pháp soi đèn bắt ốc, có nhà bắt được vài ký một đêm, nhưng vẫn không xuể. Đặc biệt thời gian này là mùa mưa nên ốc sên xuất hiện nhiều, gây hại cành non, búp của cây thanh long.

Thực tế trong những năm qua ốc sên nhỏ phát sinh và gây hại mạnh vào mùa mưa trong điều kiện ẩm độ cao và nhiệt độ dưới 30°C. Ở Bình Thuận, ốc sên nhỏ thường gây hại nặng vào thời điểm cuối mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Theo số liệu điều tra, ốc sên nhỏ đang gây hại trên diện tích gần 1.000 ha thanh long tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Thị xã La Gi và TP Phan Thiết.

Biện pháp phòng trừ

Nhằm hạn chế thiệt hại do ốc sên nhỏ gây ra cho cây thanh long, chúng tôi khuyến cáo bác và nhà vườn trồng thanh long áp dụng tổng hợp các biện pháp sau:

1. Cần dọn sạch cỏ dại, phát quang bờ ranh, cắt tỉa cành già, cành vô hiệu tạo độ thông thoáng cho trụ thanh long để hạn chế nơi trú ẩn của ốc.

2. Sử dụng vôi bột rải lên mặt đất xung quanh gốc thanh long vào đầu mùa mưa khi thấy ốc xuất hiện.

3. Sử dụng bả diệt ốc: Hoa thanh long, trái thanh long hư cắt mỏng, trộn với thuốc trừ ốc Boxer 15GR (dùng 500g thuốc cho 1.000m2); vào buổi chiều mát, gần tối rải bả tại những nơi ốc trú ẩn như đầu trụ, hàng ranh...Sau khi xử lý, nếu thấy ốc vẫn còn xuất hiện, tiếp tục rải bả với liều lượng như trên để diệt sạch ốc.

Thuốc Boxer 15GR chứa Metaldehyde - là hoạt chất được cơ quan chuyên môn khuyến cáo dùng để trừ ốc sên nhỏ hại thanh long. Trong thuốc có  chất dẫn dụ nên rất hấp dẫn với ốc; khi bị trúng thuốc, ốc mất nước, ngừng ăn và chết.

Xin cảm ơn ông, chúc ông có vụ thanh long thắng lợi, năng  suất cao, được giá!

Xem thêm
Ẩn bớt
Câu hỏi
Nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Người gửi: Cô Dung – Văn Chấn, Yên Bái: Thấy các kỹ sư nông nghiệp hay khuyến cáo bà con nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng. Vậy giải thích cho tôi biết nguyên tắc 4 đúng là gì? - 30/09/2021
Trả lời

Xin cảm ơn cô và xin trả lời cô như sau:

Nội dung giải thích ngắn gọn của nguyên tắc 4 đúng:

1. Đúng thuốc: Căn cứ đặc tính sinh học và mục đích phòng trừ đối tượng dịch hại, người ta sản xuất ra thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), gồm: Thuốc trừ sâu, thuốc trừ nhện, thuốc trừ tuyến trùng, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ chuột, thuốc trừ ốc bươu vàng...Do vậy, khi thấy cây trồng bị hại cần phải nhận biết rõ đó là dịch hại nào để dùng thuốc cho đúng. Dùng thuốc sâu để phun trừ bệnh thì chẳng những không bảo vệ được cây trồng mà còn gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, thiệt hại về năng suất.

2. Đúng liều lượng, nồng độ: Pha thuốc đúng liều lượng, nồng độ; phun đủ lượng nước thuốc cho một đơn vị diện tích như hướng dẫn trên nhãn mác thuốc.

3. Đúng lúc: Tùy từng đối tượng dịch hại để xử lý thuốc đúng thời điểm theo hướng dẫn trên nhãn thuốc. Xử lý thuốc khi dịch hại còn ở diện hẹp và ở các thời kỳ dễ mẫn cảm với thuốc: sâu, nhện, ốc... tuổi nhỏ; bệnh mới chớm xuất hiện. Việc chọn đúng thời điểm để xử lý thuốc vừa đạt hiệu quả cao vừa đỡ tốn chi phí.

4. Đúng cách:

  • Pha thuốc đúng cách: Được ghi cụ thể trên bao bì thuốc BVTV. Ví dụ: Pha 10 ml thuốc với  bình 18 lít nước. Một số dạng thuốc (SC) cần lắc kỹ chai thuốc trước khi pha hoặc một số dạng khó tan (WG) cần pha dung dịch mẹ (pha thuốc với một ít nước, lắc kỹ cho tan hết) rồi mới đổ vào bình phun. Khi pha thuốc cần có đầy đủ dụng cụ cân, đo, dụng cụ phòng hộ. Pha thuốc xa nơi ở, người, vật nuôi, nguồn nước sinh hoạt.
  • Phun, rải đúng cách: Thuốc pha nước thì phun/xịt, thuốc hạt thì rải/bón. Phun, rải đều lượng nước, thuốc; đảm bảo hạt nước thuốc nhỏ, dính bám đều trên lá, thân cây trồng, diện tích cần xử lý. Phun, rải thuốc vào buổi sáng hoặc chiều mát. Không phun, rải thuốc ngược chiều gió. Không phun thuốc khi cây trồng đang ra hoa, thụ phấn.
Xem thêm
Ẩn bớt
Câu hỏi
Quy trình sản xuất rau an toàn. Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho rau như thế nào
Người gửi: Bác Tuyên- Hà Nội có hỏi: : Rau an toàn sản xuất như thế nào ? Nếu muốn rau an toàn thì khi bị sâu bệnh có dùng thuốc bảo vệ thực vật không ? Nếu có dùng thuốc thì Công ty có thuốc gì an toàn, hiệu quả không ? - 30/09/2021
Trả lời

Trả lời:

Ý thứ nhất xin trả lời như sau: Theo quy trình, rau an toàn được sản xuất với 10 bước quy định theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bước 1: Chọn đất trồng

  • Đất cao, thoát nước thích hợp với sự sinh trưởng của rau.
  • Cách ly với khu vực có chất thải công nghiệp và bệnh viện ít nhất 2km, với chất thải sinh hoạt thành phố ít nhất 200 m.
  • Đất không được có tồn dư hóa chất độc hại.

Bước 2: Nguồn nước tưới

  • Sử dụng nguồn nước tưới từ sông không bị ô nhiễm hoặc phải qua xử lý.
  • Sử dụng nước giếng khoan (đối với rau xà lách và các loại rau gia vị).
  • Dùng nước sạch để pha phân bón lá và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Bước 3: Giống

  • Phải biết rõ lý lịch nơi sản xuất giống. Giống nhập nội phải qua kiểm dịch.
  • Chỉ gieo trồng các loại giống tốt và trồng cây con khỏe mạnh, không mang nguồn sâu bệnh.
  • Hạt giống trước khi gieo cần được xử lý hóa chất hoặc nhiệt để diệt nguồn sâu bệnh.

Bước 4: Phân bón

  • Tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục bón cho rau.
  • Tuyệt đối không bón các loại phân chuồng chưa ủ hoai, không dùng phân tươi pha loãng nước để tưới.
  • Sử dụng phân hoá học bón thúc vừa đủ theo yêu cầu của từng loại rau. Cần kết thúc bón trước khi thu hoạch ít nhất 15 ngày.

Bước 5: Phòng trừ sâu bệnh

  • Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM (intergrated Pest Management).
  • Luân canh cây trồng hợp lý.
  • Sử dụng giống tốt, chống chịu sâu bệnh và sạch bệnh.
  • Chăm sóc theo yêu cầu sinh lý của cây (tạo cây khỏe).
  • Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng.
  • Sử dụng nhân lực bắt giết sâu.
  • Sử dụng các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh hợp lý.
  • Kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện và có biện pháp quản lý phù hợp đối với dịch hại.

Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và theo các yêu cầu sau:

  • Không sử dụng loại thuốc cấm sử dụng trên rau.
  • Chọn loại thuốc có hàm lượng hoạt chất thấp, ít độc hại với thiên địch, vật nuôi, con người và môi trường.
  • Ưu tiên sử dụng thuốc sinh học.
  • Tùy theo loại thuốc mà thực hiện theo hướng dẫn về sử dụng và thời gian thu hoạch.

Bước 6: Sử dụng một số biện pháp khác

  • Sử dụng nhà lưới, nhà kính để che chắn: nhà lưới, nhà kính có tác dụng hạn chế dịch hại, sương giá, nắng hạn, rút ngắn thời gian sinh trưởng của rau, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật.
  • Sử dụng màng nilon để phủ đất sẽ hạn chế sâu, bệnh, cỏ dại, tiết kiệm nước tưới, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Bước 7: Thu hoạch

  • Thu hoạch rau đúng độ chín, đúng theo yêu cầu của từng loại rau, loại bỏ lá già héo, quả, củ bị sâu bệnh và dị dạng.
  • Rửa kỹ rau bằng nước sạch, dùng bao túi sạch để chứa đựng.

Bước 8:  Sơ chế và kiểm tra

Sau khi thu hoạch, rau được chuyển vào phòng sơ chế, ở đây rau được phân loại, làm sạch. Rửa kỹ rau bằng nước sạch, dùng bao túi sạch để chứa đựng.

Bước 9:  Vận chuyển

Sau khi đóng gói, rau được niêm phong và vận chuyển đến cửa hàng hoặc trực tiếp cho người sử dụng trong vòng 2 giờ để đảm bảo điều kiện vệ sinh và an toàn.

Bước 10:  Bảo quản và sử dụng                                   

Rau được bảo quản tại cửa hàng ở nhiệt độ 20oC và thời gian lưu trữ không quá 2 ngày. Rau an toàn có thể sử dụng ngay không cần phải ngâm nước muối hay các chất làm sạch khác.

Để rau được ngon và tươi nên sử dụng trong ngày.

Có nên phun thuốc trừ sâu cho rau an toàn không?

Câu trả lời là có thể phun nhưng cần dùng thuốc nằm trong danh mục thuốc được phép sử dụng trên rau.

Phun thuốc trừ sâu phải thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng để đảm bảo dư lượng thuốc BVTV ở dưới mức cho phép khi thu hoạch.

Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật 1 Trung ương có thuốc trừ sâu V.K 16 WP. Đây là thuốc trừ sâu sinh học có tác dụng vị độc, đặc trị các loại sâu thuộc bộ cánh vảy như: Sâu tơ hại rau; sâu xanh hại bông vải. Cách pha, phun: Pha 40 – 60 g thuốc với 16 – 20 lít nước, phun khi sâu hại mới xuất hiện.

Xin trân trọng cảm ơn !

Xem thêm
Ẩn bớt
Câu hỏi
Phòng trừ sâu bệnh hại lúa cuối vụ Mùa.
Người gửi: Bác Huy ở Thái Bình có hỏi: Cuối vụ Mùa tôi có phải phòng trừ sâu bệnh trên lúa không ? - 30/09/2021
Trả lời

Thưa bác: Tình hình sâu bệnh hại lúa cuối vụ Mùa ở miền Bắc và biện pháp phòng trừ như sau:

 Cơ quan chuyên ngành khuyến cáo, cuối vụ Mùa (tháng 8- 9) lúa trà sớm đang trỗ - chín sữa, trà trung làm đòng, trà muộn cuối đẻ nhánh có một số sâu bệnh phát sinh và gây hại, gồm:

- Sâu đục thân: Sâu non lứa 4 tiếp tục gây bông bạc trên trà sớm và trà trung vào thời gian cuối tháng 8. Trưởng thành lứa 5 sẽ vũ hóa và đẻ trứng trên trà trung và trà muộn, sâu non gây bông bạc trên các diện tích trỗ vào trung tuần tháng 9.

- Bệnh khô vằn: Bệnh khô vằn gây hại chủ yếu ở bẹ lá, phiến lá và cổ bông. Các bẹ lá sát mặt nước hoặc bẹ lá già ở dưới gốc thường là nơi phát sinh bệnh đầu tiên.

- Bệnh bạc lá: Bệnh xuất hiện ở mép lá, cháy dọc mép lá từ đầu chóp lá cháy xuống (còn gọi là bệnh cháy bìa lá). Bệnh lan theo chiều gió. Buổi chiều những giọt keo vi khuẩn bạc lá khô đọng lại ở mép lá màu vàng, nhỏ như "trứng tôm". Sương đêm làm cho giọt keo vi khuẩn này tan ra, chảy theo mép lá và lây lan sang lá khác do gió làm lá bị xây xát. Bệnh nặng, lá lúa khô cháy; đặc biệt khi lá đòng cháy làm tăng tỷ lệ lép lửng, giảm năng suất nghiêm trọng. Bệnh thường hại nặng sau các đợt mưa giông.

- Bệnh lem lép hạt: Thường gây thiệt hại năng suất rất lớn, có thể lên đến trên 70%, đồng thời ảnh hưởng đến màu sắc, chất lượng của hạt lúa. Bệnh thường xuất hiện từ giai đoạn làm đòng đến chín trong điều kiện thời tiết bất lợi như mưa nhiều, cây lúa không đủ ánh sáng quang hợp.

- Rầy nâu: Là côn trùng chích hút, gây hại cho cây lúa. Rầy non và trưởng thành chích vào cây lúa để hút nhựa, làm cho cây lúa vàng, úa, còi cọc, chết khô (hiện tượng cháy rầy), ban đầu là từng đám, sau cháy cả vạt, có thể lan rộng ra cả ruộng và cả cánh đồng nếu không phòng trừ kịp thời.

Biện pháp phòng trừ:

Cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân loại trà lúa, giống lúa và xác định mật độ sâu, tỷ lệ bệnh trên từng trà lúa để chủ động phòng trừ kịp thời.

- Đối với sâu đục thân: Chú ý những diện tích lúa trỗ sớm nhất vùng từ nay đến cuối tháng 8, lúa trà muộn trỗ sau 10/9, những diện tích gần ánh sáng đèn…: Tổ chức phun phòng trừ khi lúa bắt đầu trỗ ở những diện tích có mật độ ổ trứng ≥ 0,3 ổ/m2 bằng các loại thuốc có chứa hoạt chất Nereistoxin, Cartap,… như Neretox 95WP, Patox 95SP.

- Đối với bệnh khô vằn, lem lép hạt: Phun phòng trừ những diện tích có tỷ lệ bệnh khô vằn > 20% số dảnh; phun khi lúa thấp tho trỗ hoặc sau khi trỗ thoát bằng một trong các loại thuốc chứa hoạt chất Propiconazole, Hexaconazole, Difenoconazole như: Tiptop 250EC, Still Liver 300ME, Tiptop Gold 400EC, Namotor 100SC (khô vằn).

- Đối với bệnh bạc lá – đốm sọc vi khuẩn: Chú ý những diện tích bón thừa đạm, giống nhiễm nặng như Bắc thơm số 7, nhóm giống TBR… Những diện tích lúa đã bị bệnh cần giữ nước thường xuyên trên ruộng để tăng khả năng chống chịu của cây lúa; phun phòng trừ khi bệnh mới xuất hiện hoặc ngay sau khi mưa giông kết thúc bằng thuốc Starwiner 20WP.

- Đối với rầy dùng một trong các loại thuốc sau: Trebon 10EC; Bassa 50EC; Sutin 50WP, 50SC, 50WG; Subatox 75EC.

Xem thêm
Ẩn bớt
Câu hỏi
Giải pháp hoàn hảo trừ cỏ hại lúa gieo thẳng (sạ)
Người gửi: Bác Huy - Yên Thành, Nghệ An hỏi: Tôi thấy cửa hàng nói Công ty có sản phẩm combo trừ cỏ lúa hiệu quả lắm nên tôi muốn hỏi chi tiết về sản phẩm này - 10/09/2021
Trả lời

Trả lời: Cảm ơn bác Huy. Về combo sản phẩm trừ cỏ cho lúa gieo thẳng của Công ty xin bác đọc bài viết sau:

Video combo 1

Video combo 2

GIẢI PHÁP HOÀN HẢO
TRỪ CỎ CHO LÚA GIEO THẲNG (LÚA SẠ)

Cây lúa bị cỏ dại cạnh tranh về nhiều mặt: ánh sáng, nước, chất dinh dưỡng, vì vậy diệt cỏ dại càng sớm càng giúp cho cây lúa sinh trưởng, phát triển và đạt năng suất cao. Từ xa xưa, người nông dân đã đúc kết "công trồng là công bỏ, công làm cỏ là công ăn". Qua hàng loạt thử nghiệm trên đồng ruộng, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật 1 Trung ương nghiên cứu ra 2 combo sản phẩm hoàn hảo:

Combo 1: Cặp đôi “2 TRÂU ĐEN + BÒ ĐỎ” = New Heco 600EC + Fenrim 18.5WP. Sự phối trộn hoàn hảo này giúp bà con nông dân quản lý cỏ dại đạt hiệu quả cao trên ruộng lúa gieo thẳng.

Combo cặp đôi “2 Trâu đen + Bò đỏ” trừ nhiều loài cỏ dại lá rộng, cỏ lác, cỏ lá hẹp hàng năm thường gặp trên ruộng lúa ở nước ta như: cỏ lác, cỏ lác mỡ (Cyperus spp), cỏ lồng vực cạn (Echinochloa colonum), cỏ lồng vực nước (Echinochloa crusgalli), cỏ chát (Fimbristylis miliacea), cỏ đuôi phụng (Leptochloa chinensis), cỏ vảy ốc (Rotala indiea), cỏ mần trầu (Eleusine indiea), cỏ rau mác (Monochoria vaginalis)…

Vì sao cặp đôi này trừ cỏ hoàn hảo ?

Cặp đôi này là hỗn hợp của 4 hoạt chất:

1. Hoạt chất Butachlor

Là thuốc trừ cỏ chọn lọc thuộc nhóm acetanilide, được sử dụng cho cả giai đoạn tiền nảy mầm và hậu nảy mầm. Cơ chế diệt cỏ là ức chế quá trình quang tổng hợp protein, tổng hợp RNA và tổng hợp lipid của tế bào lá cỏ dại. Butachlor ức chế các enzym chịu trách nhiệm cho quá trình vòng hóa geranylgeranyl pyrophosphat và tổng hợp chuỗi axid béo trong thực vật.

Thuốc được dùng trước khi cỏ mọc để trừ cỏ lá hẹp và một số cỏ lá rộng cho lúa gieo thẳng (sạ) và lúa cấy. Thuốc ít độc với lúa, mỳ, mạch, bông, lạc và nhiều cây họ cải.

2. Hoạt chất Bensulfuron-methyl

Là thuốc trừ cỏ chọn lọc. Hoạt chất khuyếch tán nhanh chóng trong nước, được rễ và lá cây cỏ hấp thụ, sau đó được lưu dẫn đến các bộ phận khác của cây cỏ, ngăn cản quá trình sinh tổng hợp axit amin làm cho cỏ dại mẫn cảm ngừng sinh trưởng, các mô non bị vàng. Bensulfuron-methyl kiểm soát hiệu quả cỏ lá rộng hàng năm và lâu năm trên ruộng lúa.

Bensulfuron- methyl dùng trừ cỏ lá rộng, một số cỏ lá hẹp trong ruộng lúa khi lúa có 1 – 3 lá mầm; không gây hại lúa và ảnh hương xấu đến đất, nước.

3. Hoạt chất Propisochlor

Propisochlor thuộc nhóm chloroacetamide. Thuốc kìm hãm sự phân chia tế bào và sự kéo dài rễ bằng cách ngăn cản quá trình sinh tổng hợp protein và các chuỗi acid béo. Propisochlor là thuốc trừ cỏ chọn lọc, tiền và hậu nảy mầm sớm; được hấp thụ qua trụ dưới lá mầm, trụ gian lá mầm, lá bao mầm, rễ và rễ thứ cấp của mầm cây; tích luỹ trong các bộ phận sinh dưỡng nhiều hơn là các cơ quan sinh sản, phần nào được giữ lại ở mầm rễ. Thuốc trừ được nhiều loài cỏ lá rộng, cói lác và cỏ lá hẹp hàng năm trên ruộng lúa cấy và lúa gieo thẳng (sạ), ngô, bông, mía, khoai tây, lạc, đậu tương, rau, cây ăn quả, cây cảnh và nhiều cây trồng khác. Thuốc có thể hỗn hợp với một số thuốc trừ cỏ khác. Trong cây ngô, men glutation transferasa có tác dụng phân giải thuốc nhanh, nên không bị gây hại.

4. Chất an toàn Fenclorim

Cuối cùng chất quan trọng nhất trong combo là Fenclorim có tác dụng bảo vệ an toàn cho cây lúa. Chỉ có cây lúa mới hấp thụ được Fenclorim, còn các loài cỏ dại không hấp thụ được. Khi được cây lúa hấp thụ qua rễ mầm, Fenclorim phân giải hoạt chất trừ cỏ do đó không tác hại tới mầm non của lúa. Người ta còn nhận thấy Fenclorim tạo ra một lớp bao bọc điểm sinh trưởng của cây lúa, làm cho các hoạt chất trừ cỏ không gây hại cho cây lúa.

Combo 2: Cặp đôi “TRÂU ĐEN + BÒ ĐỎ” = Prefit 300EC + Fenrim 18.5WP. Cặp đôi này cũng gồm 4 hoạt chất, gồm: Pretilachlor, Propisochlor, Bensulfuron – methyl và Fenclorim.

Hoạt chất Pretilachlor

Pretilachlor là thuốc trừ cỏ chọn lọc, dùng trước hay ngay sau khi cỏ mọc.

Pretilachlor có đặc tính kìm hãm không cho tế bào cây cỏ phân chia, làm cho cây cỏ ngừng sinh trưởng và chết. Khi được cây cỏ hấp thụ, thuốc di chuyển nhanh lên phía trên qua trụ dưới lá mầm, trụ gian lá mầm, lá bao mầm và giữ lại một phần ít ở mầm rễ. Với đặc tính như vậy Pretilachlor có tác động hữu hiệu để trừ nhiều loài cỏ dại.

Cách sử dụng

Về thời điểm phun thuốc: trong vụ Đông Xuân, phun thuốc sau khi gieo (sạ) 1 - 4 ngày, vụ Hè Thu phun thuốc 1 - 3 ngày sau khi gieo (sạ).

Chú ý: - Không được phun thuốc muộn hơn 4 ngày sau lần làm đất cuối cùng; không phun thuốc khi nắng gắt trong mùa Hè. Sau khi phun thuốc, không để ruộng lúa bị khô, phải giữ ruộng đủ ẩm; sau khi phun thuốc được 3 - 5 ngày cần đưa nước vào ruộng, song không để nước ngập ngọn cây lúa mới mọc.

- Đất phải được làm kỹ, bằng phẳng. Nếu gieo (sạ) ngầm (ruộng có nước), sau đó 2 - 3 ngày rút hết nước và nên phun thuốc ngay. Khi phun thuốc gặp mưa nhỏ vẫn có hiệu quả.

 

Xem thêm
Ẩn bớt
Câu hỏi
Dùng dụng cụ phun thuốc BVTV hiệu quả
Người gửi: Bác Quang - Thanh Miện - Hải Dương hỏi: Tôi thầu được 1 ha lúa của bà con nông dân. Tôi thấy có nói đến máy bay phun thuốc. Vậy tôi có nên mua không? - 10/09/2021
Trả lời

DỤNG CỤ PHUN THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Phun thuốc bảo vệ thực vật là công đoạn phổ biến trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Cây trồng luôn chịu nhiều tác động từ môi trường và đặc biệt là các loại dịch hại thường xuất hiện, gây tổn hại đến năng suất và chất lượng nông sản.
Việc phun thuốc trừ dịch hại luôn tiềm ẩn nguy hiểm cho người nông dân và môi trường. Do vậy người phun thuốc trừ dịch hại cần hiểu rõ về  dụng cụ phun thuốc trừ dịch hại để đạt hiệu quả cao và an toàn. Một số tiêu chí tiêu chuẩn đo lường sự an toàn, hiệu quả đó là không ảnh hưởng đến người phun thuốc, hạn chế lượng thuốc dư thừa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến tài nguyên đất và nước, hiệu quả về mặt chất lượng phun, thời gian phun và chi phí để tiến hành việc phun thuốc.

Bình phun đeo vai

Đây là dụng cụ phổ biến, quen thuộc với bà con nông dân; khi nói đến công việc phun thuốc, hình ảnh liên tưởng đầu tiên trong tâm trí nhiều người chính là chiếc bình phun chứa đầy thuốc đeo trên vai.

 

Ưu điểm của việc sử dụng bình phun đeo vai là chi phí mua bình rẻ, dễ mua và dễ thực hiện; người nông dân chỉ cần mất 200 - 300.000 đồng là sở hữu được 1 bình phun. Nhưng việc phun thuốc bằng bình phun đeo vai luôn tiềm ẩn nguy hiểm cho người phun; việc người phun tiếp xúc trực tiếp với lượng thuốc lớn trong suốt quá trình phun gây tổn hại không nhỏ đến sức khỏe người phun. Ngoài ra, bình phun thường có khối lượng khoảng 20 kg, do đó người phun phải mang trên vai rất nặng nhọc và vất vả. Hơn hết hiệu suất không cao, đơn giản vì phụ thuộc 100% sức người, mất nhiều thời gian và nhân lực để phun thuốc. Lượng thuốc phun không đồng đều cũng là một nhược điểm cố hữu khi dùng bình phun đeo vai; người phun đa phần dựa vào cảm tính, thao tác phun cũng không thể đồng đều để đạt độ chính xác 100%.

Máy phun đeo vai

Một phiên bản nâng cấp của bình phun đeo vai là máy phun đeo vai - được cải tiến khi trang bị thêm một số thiết bị “cao cấp” hơn, cụ thể là máy bơm.

Nguyên lý hoạt động không khác gì so với bình phun đeo vai, sử dụng máy bơm cao áp và vòi phun áp lực cao giúp thuốc phun đi xa hơn và nhiều hơn.  Nhưng nhược điểm của máy phun đeo vai là giá bán đắt hơn  bình phun đeo vai; lượng thuốc phun ra nhiều hơn, ảnh hưởng xấu hơn đến người phun và gây lãng phí thuốc nhiều hơn; vẫn sử dụng sức người để phun, nên chất lượng phun không đồng đều.

Máy bay phun thuốc

Đây là phương pháp phun thuốc mới được sử dụng ở nước ta những năm gần đây. Theo xu thế phát triển công nghệ 4.0, máy bay phun thuốc ra đời và áp dụng vào sản xuất nông lâm nghiệp. Với tính năng tự động phun theo lập trình, hoạt động được trong điều kiện thời tiết và môi trường khắc nghiệt; không bị cản trở bởi địa hình khó khăn và phức tạp khác nhau.  Người điều khiển chỉ cần đứng ở vị trí an toàn, mát mẻ là có thể vận hành được máy bay phun thuốc, với hệ thống trang bị radar xác định chướng ngại vật tự động, camera 360 không có điểm mù dễ dàng trong việc vận hành do đó an toàn cho người phun. Với tính năng phun đều, bám dính cao, thời gian vận hành ít hơn mà hiệu suất cao hơn nhiều lần, có thể phun được 10 - 20 ha/giờ bay. Có thể nói đây là bước đột phá trong nông nghiệp, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí cho bà con nông dân. Tuy nhiên cũng có một số bất cập là chi phí đầu tư cao, phải đầu tư tập luyện để điều khiển, diện tích cần lớn để máy bay phát huy hiệu quả cao./.

Vậy bác cân nhắc theo điều kiện của mình để lựa chọn dụng cụ phun phù hợp.

Xem thêm
Ẩn bớt
Câu hỏi
Thuốc trừ cỏ lồng vực hiệu quả
Người gửi: Hỏi: Tôi và nhiều bà con nông dân chưa kịp trừ cỏ bằng các loại thuốc tiền nảy mầm hoặc để cỏ mọc mới sử dụng thuốc trừ cỏ, do đó muốn tìm hiểu thuốc trừ cỏ lồng vực (cỏ gạo, cỏ kê) nào cho hiệu quả cao trong vụ Mùa ? Nguyễn Văn Bình – Giao Thủy, Nam Địn - 10/09/2021
Trả lời

Thưa bác, trước hết xin cám ơn bác đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty chúng tôi. Xin phép được trà lời bác như sau:

Lúa vụ Mùa gieo, cấy trong điều kiện ánh sáng và nhiệt độ rất thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng phát triển, nhưng đây cũng là điều kiện để cỏ dại sinh trưởng phát triển mạnh đặc biệt là cỏ lồng vực (cỏ gạo, cỏ kê).

Do chưa kịp trừ cỏ bằng các loại thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm, khi cỏ đã có từ 2 - 4 lá thật, bác và bà con nên dùng thuốc trừ cỏ hậu nẩy mầm Pitagor 550WP và Linhtrơ 200EW để phòng trừ cỏ dại trong ruộng lúa. Đây là 2 loại thuốc đặc trị cỏ lồng vực và cỏ đuôi phụng.

Pitagor 550WP  là hỗn hợp của hai hoạt chất Cyhalofop-butyl 150g/kg + Quinclorac 400g/kg .

Linhtrơ 200EW chứa hoạt chất Cyhalofop-Butyl 200g/l

Cách sử dụng thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm hiệu quả:

Để thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm có hiệu quả cao, quan trọng nhất vẫn là tuân thủ nguyên tắc 4 đúng trong kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

1. Đúng thuốc: Pitagor 550WP (Bò Pitagor), Linhtrơ 200EW là những thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm cho lúa, trừ các loại cỏ và đặc trị cỏ lồng vực (cỏ gạo, cỏ kê).

2. Đúng lúc: Phun thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm khi cỏ có đã mọc được trên 2 lá thật (khoảng 10 - 12 ngày sau cấy, sạ)

3. Đúng liều lượng: Lượng thuốc pha và lượng nước phun theo hướng dẫn trên nhãn sản phẩm.

4. Đúng cách: Khi phun thuốc rút cạn nước, để mặt ruộng đủ ẩm hoặc xăm xắp mặt ruộng. Sau khi phun thuốc 1 - 3 ngày cho nước vào ruộng và chăm sóc ruộng bình thường.

Lưu ý:

Bà con cần thăm đồng thực tế và phân biệt các loại cỏ khác ngoài cỏ lồng vực (cỏ gạo, cỏ kê) trong ruộng lúa để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Trong vụ Mùa cỏ phát triển rất nhanh, nên khi cỏ đã lớn (sau khi cấy, sạ 15 – 20 ngày) nếu phun thuốc trừ cỏ cần phải tăng liều lượng của thuốc. Tùy từng mật độ cỏ, độ tuổi của cỏ để tăng liều lượng cho phù hợp.

Kính chúc bác và bà con sức khỏe, có mùa vụ bội thu !

Xem thêm
Ẩn bớt
Câu hỏi
Châu chấu tre và biện pháp phòng trừ
Người gửi: Anh Ngọc - xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) - 07/09/2021
Trả lời

 

PHÒNG TRỪ CHÂU CHẤU TRE HẠI CÂY TRỒNG

 

 

Vòng đời của châu chấu là một năm. Trưởng thành đẻ trứng thành từng ổ dưới đất nơi vùng đất đỏ xốp và ẩm hoặc dưới lớp lá cây mục, trung bình mỗi ổ có 100 - 150 trứng. Châu chấu non xuất hiện từ tháng 4 khi có những trận mưa đầu mùa giúp trứng nở. Sau khi nở, châu chấu non quần tụ quanh ổ trứng, vài giờ sau thì phân tán đi ăn phá cây.

Châu chấu non có 7 tuổi, tuổi 1 và 2 thường chậm chạp, ẩn trong các đám cỏ; từ tuổi 3 trở lên hoạt động mạnh và di chuyển lên để tấn công các cây cao hơn. Thời gian châu chấu non kéo dài khoảng 2 tháng. Châu chấu trưởng thành thường xuất hiện từ tháng 6, mật độ cao và phá hại mạnh nhất vào tháng 7 - 8.

Thời gian châu chấu trưởng thành sống và phá hại khá dài (khoảng 5-6 tháng). Khi trưởng thành, sức ăn phá rất mạnh và di chuyển xa thành từng đàn.

Khi hết thức ăn chúng sẽ di chuyển đến phá hại trên các cây trồng khác gần bìa rừng như ngô, lúa, cỏ chăn nuôi... 

Chỉ có thể khống chế khi châu chấu mới xuất hiện, con còn non, co cụm thành đàn, chưa đủ cánh bay xa. Do vậy việc điều tra, phát hiện tổ chức bao vây diệt châu chấu non là rất cần thiết.

Biện pháp phòng trừ hiệu quả là: Xác định khu vực châu chấu co cụm, đẻ trứng vào khoảng cuối mùa thu để tổ chức diệt trừ. Khi những ổ nhỏ châu chấu mới nở, còn co cụm thì dùng vợt bắt thủ công đem tiêu hủy. Những ổ lớn và khi châu chấu bắt đầu phát tán gây hại lúa, ngô thì cần áp dụng biện pháp phun thuốc hóa học để tiêu diệt. Sử dụng thuốc phòng trừ châu chấu tre là: Neretox 95WP.

Tùy từng điều kiện thực tế có thể phun trừ châu chấu bằng phương pháp phun thuốc bảo vệ thực vật dạng nước hoặc dạng khói.

- Phun thuốc bảo vệ thực vật ở dạng nước: Dùng máy động cơ, phun trừ chấu chấu tại các khu vực ven rừng, đường đi, đồng ruộng, trên nương...

- Phun thuốc bảo vệ thực vật ở dạng khói: dùng máy phun khói FM 200 kết hợp dung môi khuếch tán Vikoenergy - FA800 và thuốc bảo vệ thực vật, phun trừ châu chấu tre lưng vàng tại các địa điểm châu chấu xuất hiện và gây hại khi châu chấu có mật độ cao, khu vực có địa hình là đồi núi dốc, cách xa nguồn nước, rừng rậm rạp, nhiều tầng tán...

Phun thuốc theo hướng dẫn trên nhãn thuốc. Nên tổ chức thành các tổ, đội dịch vụ phun tập trung, dùng bình phun ắc quy hoặc máy động cơ phun bao vây xung quanh từ ngoài vào, phun cuốn chiếu từng khu vực vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, tránh để chúng phát tán gây hại trên diện rộng rất khó kiểm soát.

Trong quá trình tổ chức phòng trừ tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, phun đồng loạt, tập trung, trong khu vực phun thuốc tuyệt đối không được chăn, thả gia súc, gia cầm./.

 

Xem thêm
Ẩn bớt
Câu hỏi
Năm nào lúa nhà tôi cũng bị bệnh đạo ôn, bà con xung quanh cũng bị nặng. Tôi muốn hỏi những lưu ý khi phòng trừ bệnh này?
Người gửi: Chị Út Hiền - Châu Đốc, An Giang - 07/09/2021
Trả lời

Những lưu ý về bệnh đạo ôn hại lúa ở đồng bằng sông Cửu Long

Tác nhân gây bệnh: 

Bệnh đạo ôn do nấm Pyricularia grisea Sacc., trước kia còn gọi là Pyricularia oryzae Cav. gây hại và được ghi nhận hiện diện ở hơn 80 quốc gia trồng lúa trên thế giới.

Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh ngày càng phát sinh thêm nhiều nòi mới có độc tố cao nên khó phòng trị. Theo TS Nguyễn Thị Phong Lan và nhóm tác giả thì tại ĐBSCL có trên 40 nòi nấm Pyricularia grisea gây ra bệnh đạo ôn trên cây lúa. 

Dấu hiệu bệnh đạo ôn trên lá lúa. Ảnh: Cục BVTV.

Triệu chứng và tác hại:

Nấm bệnh có thể tấn công trên lá, thân, cổ bông, cổ gié hoặc hạt lúa.

- Trên lá: Ban đầu vết bệnh rất nhỏ, nhưng ở giữa vết bệnh, phần tế bào lá đã bị hoại tử và khô xám, sau đó vết bệnh lớn dần và có hình thoi. Khi bệnh nặng, nhiều vết bệnh liên kết với nhau làm cho toàn lá bị "cháy".

- Trên cổ lá: Bệnh tấn công ngay cổ lá giữa phiến lá và bẹ, vết bệnh có màu nâu đỏ sau chuyển qua nâu sậm, bệnh nặng làm gãy lá và lá hư.

- Trên đốt thân: Vết bệnh màu nâu làm đốt teo lại, nếu bệnh xuất hiện thời điểm lúa đang trổ thì toàn bộ bông bị lép trắng nhưng lấy tay rút lên thấy khó hơn triệu chứng lép trắng do sâu đục thân.

- Trên cổ bông, cổ gié: Bệnh tấn công ngay cổ bông hoặc cổ gié, vết bệnh màu nâu thối tóp lại làm cho toàn bộ bông hoặc từng gié bị lép. Nếu bệnh xuất hiện sớm toàn bộ bông hoặc từng gié lúa bị lép trắng.

Điều kiện phát sinh phát triển:

- Bệnh đạo ôn phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết âm u, giờ nắng trong ngày ít, sáng sớm có sương mù hay trời có mưa phùn, nhiệt độ thích hợp nhất trong khoảng từ 18 - 26 oC. Bệnh đạo ôn thường gây hại nặng nhất trong vụ đông xuân, nhưng nếu ở vụ hè thu và thu đông khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh phát triển như mưa bão kéo dài, bệnh sẽ vẫn gây hại nặng.

- Các yếu tố như giống nhiễm (Jasmine 85, Nàng Hoa 9, VD 20, RTV, OM 4900, OM 5451…), sạ dày, bón thừa phân đạm, lá lúa nằm ngang, phiến lá rộng, ruộng thiếu nước, cỏ dại nhiều là điều kiện thuận lợi để nấm phát sinh, phát triển và gây bệnh nặng.

Đặc tính sinh học:

Chu trình phát triển của bệnh đạo ôn từ lúc bào tử mới xâm nhập đến khi phát tán, lây lan mạnh.

- Đối với bào tử gây bệnh đạo ôn lúa, nếu gặp điều kiện thuận lợi thì 24 giờ sau khi tiếp xúc với cây lúa, bào tử sẽ nảy mầm và bắt đầu xâm nhập vào bên trong mô cây.

- Khoảng 48 giờ sau bệnh xuất hiện vết chấm kim. Từ 5 - 7 ngày sau khi xâm nhập, nấm đã sản sinh bào tử mới và tiếp tục lây lan. Mỗi vết bệnh hình mắt én phóng thích 2.000 - 6.000 bào tử/ngày và lây lan rất nhanh, ruộng có thể hư toàn bộ.

- Bào tử sinh ra ở các lá bên trên có thể nhiễm vào gié lúa, hạt lúa ở giai đoạn trỗ. Do đó phòng trị bệnh đạo ôn lá không tốt thì giai đoạn lúa trỗ ruộng lúa rất dễ bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, cổ gié...

- Điều kiện để bào tử phóng thích là nhờ nước hoặc giọt sương, còn phương tiện để bào tử lây lan xa là nhờ gió. Tuy nhiên, nếu nước nhiều, trời mưa lớn thì bào tử chậm phóng thích và ít lây lan 

Biện pháp phòng trừ: 

Để bảo vệ lúa Hè Thu ở giai đoạn đòng - trỗ: Cần phun thuốc phòng trừ khi lúa trỗ lẹt xẹt và lúc lúa trỗ đều.

Lúa Thu Đông - Mùa:

- Làm đất kỹ, vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại quanh bờ và mương tưới, tạo điều kiện cho đất có thời gian nghỉ ngơi hoặc luân canh cây trồng... để cắt nguồn bệnh.

- Chọn giống kháng: Tuy nhiên hiện nay do các giống chất lượng cao đáp ứng được xuất khẩu ít kháng hoặc chỉ kháng tạm thời nên yếu tố này tùy thuộc vào điều kiện từng vùng mà xem xét.

- Không gieo sạ quá dày để cây lúa được khỏe mạnh, kháng được bệnh (áp dụng theo lượng giống khuyến cáo của chương trình IPM, 1P5G, 3G3T). Mật độ gieo sạ tốt nhất là 80 - 100 kg/ha.

- Bón phân cân đối hợp lý, không bón thừa đạm bởi khi lúa bị thừa đạm, lá có màu xanh đậm và phiến lá sẽ không đứng thẳng mà nằm ngang khiến lá rất khó quang hợp. Đây là điều kiện lý tưởng để nấm bệnh phát triển.

- Tăng cường bón phân có chứa canxi, silic để giúp lúa cứng cây (thành lóng dày, bẹ lúa ôm sát lóng), lá lúa dày đứng thẳng (lá lúa không nằm ngang) để hạn chế lá lúa “hứng” bào tử nấm và không cho bào tử nấm nảy mầm xâm nhập vào bên trong.

(Đạo ôn là bệnh cực kỳ nguy hiểm trên lúa, cần đặc biệt giám sát đồng ruộng để sớm phòng trừ. Ảnh: TL)

- Quản lý không để trong ruộng có nhiều cỏ vì cỏ dại là ký chủ quan trọng của nấm gây bệnh đạo ôn.

- Theo dõi ruộng thường xuyên, nhất là những giai đoạn cây lúa mẫn cảm với bệnh (từ giai đoạn lúa con gái đến đòng trỗ), không để ruộng lúa bị thiếu nước.

- Khi thấy bệnh chớm xuất hiện, không bón thêm phân đạm, các loại phân bón lá, thuốc kích thích sinh trưởng và cần phun thuốc phòng trừ.

Cần dùng một trong số các loại thuốc đặc trị sau: Kasoto 200SC,  Kabim 30WP, Fuji-One 40EC.

 

Xem thêm
Ẩn bớt
Câu hỏi
Rệp sáp hại cà phê dùng thuốc gì hiệu quả
Người gửi: Anh Cù Quốc Đại (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) - 07/09/2021
Trả lời

RỆP SÁP HẠI CÀ PHÊ VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

Rệp sáp là một trong những dịch hại nguy hiểm vì không những gây thiệt hại lớn đến năng suất mà còn làm giảm chất lượng của hạt cà phê, ảnh hưởng đến giá trị kinh tế mang lại.

Triệu chứng gây hại:

Rệp sáp gây hại bằng cách chích hút nhựa quả cà phê, làm quả non không phát triển được, cây thường còi cọc, kém phát triển.

Khi rệp sáp gây hại nặng thường xuất hiện lớp nấm muội đen bao phủ trên các chùm quả, cành mang quả và lá, làm giảm khả năng quang hợp của lá; lá úa vàng; quả khô dần rồi rụng nhiều.

Đặc điểm hình thái, sinh thái:

Rệp sáp hại cà phê có tên khoa học là Planococcus kraunhiae. Cơ thể rệp có màu hồng nhưng được bao bọc bên ngoài bằng một lớp sáp màu trắng nên được gọi là rệp sáp.

Rệp sáp hại quả thường xuất hiện từ sau khi hoa cà phê nở cho đến hết vụ thu hoạch. Rệp sáp gây hại nặng trong các tháng mùa khô và đầu mùa mưa, sau đó giảm nhiều trong khoảng thời gian giữa mùa mưa. Rệp sáp cũng có mối quan hệ cộng sinh với các loài kiến tương tự rệp vảy xanh, vảy nâu.

Vòng đời rệp sáp từ 26 - 40 ngày, trong đó giai đoạn trứng kéo dài từ 5 - 7 ngày. Rệp đẻ trứng vào kẽ lá, chùm nụ - hoa, chùm quả non. Một con rệp mẹ có thể đẻ đến 500 trứng theo từng lứa. Rệp non sau khi nở 2 - 3 ngày thì bò ra và nhanh chóng tìm nơi sống cố định.

Biện pháp phòng trừ:

Để phòng trừ rệp sáp hại quả có hiệu quả cao cần thường xuyên kiểm tra vườn cà phê, đặc biệt vào các tháng mùa khô để phát hiện sự xuất hiện của rệp sáp và có biện pháp xử lý kịp thời.

Biện pháp canh tác:

+ Cắt tỉa cành thông thoáng, làm sạch cỏ dại; chăm sóc để cây cà phê phát triển tốt, hạn chế sự gây hại của rệp sáp.

+ Khi rệp mới xuất hiện với tỷ lệ cành bị hại còn thấp có thể cắt và đốt cành bị rệp.

Biện pháp hóa học:

Khi bị nặng, tiến hành phun một số thuốc như: Diditox 40EC, Subatox 75EC

 

 

Khi phun thuốc cần chú ý phun thật kỹ vào các chùm quả sao cho thuốc có thể tiếp xúc được trứng và rệp non.

 

Xem thêm
Ẩn bớt
Gửi câu hỏi
0.05462 sec| 2647.727 kb