Đặt câu hỏi
Thông tin cá nhân
Câu hỏi
Chuyên mục hỏi đáp
Câu hỏi
Lúa nhà tôi bị lùn xuống là bệnh gì?
Người gửi: Chú Ngọc - Nam Định - 07/09/2021
Trả lời

BỆNH LÙN SỌC ĐEN HẠI LÚA VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

Tác nhân gây bệnh

Tác nhân gây bệnh lùn sọc đen hại lúa là virus lùn sọc đen phương Nam (Southern Rice Black Streaked Dwarf Virus - SRBSDV) thuộc nhóm Fijivirus-2, họ Reoviridae và rầy lưng trắng (Sogatella furcifera) là môi giới lây truyền virus này. 

(Triệu chứng lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen-  Nguồn: Cục BVTV)

Triệu chứng và tác hại

Cây lúa bị bệnh có triệu chứng chung là thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường. Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá. Gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non, gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng.

Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Khi bị bệnh nặng cây lúa không trổ bông được hoặc trỗ bông không thoát và hạt thường bị đen. Ở giai đoạn trỗ bông, triệu chứng bệnh có thể xuất hiện ở tất cả các dảnh trên cùng một khóm, hoặc chỉ ở một số dảnh, các dảnh khác vẫn phát triển bình thường.

Môi giới truyền bệnh và cơ chế lan truyền của bệnh

Rầy lưng trắng là côn trùng môi giới chính truyền bệnh lùn sọc đen hại lúa. Cả rầy non và rầy trưởng thành đều truyền bệnh.

Rầy lưng trắng sau khi đã nhiễm virus có thể truyền bệnh đến khi chết. Virus không truyền qua trứng rầy, do vậy ấu trùng nở ra từ các trứng này cũng không mang mầm bệnh.

Bệnh không truyền qua hạt giống lúa, không truyền qua đất và tiếp xúc giữa cây bệnh với cây khỏe. 

(Triệu chứng lúa bị bệnh lùn sọc đen - Nguồn: Cục BVTV)

Biện pháp phòng trừ

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh lùn sọc đen. Để hạn chế thấp nhất tác hại của bệnh, phải thực hiện tốt việc phòng bệnh.

- Vệ sinh đồng ruộng, thu gom tiêu hủy triệt để cây bệnh, rơm rạ, lúa chét và cỏ dại. Làm đất kỹ, làm ải đối với ruộng cao, làm dầm đối với ruộng trũng. Sử dụng vôi bột để rắc xung quanh bờ ruộng và toàn bộ ruộng cấy (20 - 25 kg/sào).

- Sử dụng giống lúa có chất lượng tốt, những giống nhiễm rầy phải tuân thủ theo quy trình thâm canh, quản lý rầy nghiêm ngặt.

- Gieo cấy tập trung, đúng lịch, thời vụ theo hướng dẫn. 

- Áp dụng các biện pháp thâm canh tổng hợp, bón phân cân đối, không bón thừa đạm để giúp cây lúa khỏe, tăng sức đề kháng và chống chịu, hạn chế sự phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh.

- Thực hiện triệt để và đồng bộ các biện pháp phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ.

- Đối với vùng đã có mầm bệnh từ trước, cần chủ động xử lý bằng thuốc đặc hiệu Sutin 50SC; Sutin 50WG, Sutin 50WP, Bassa 50EC, …để trừ rầy ngay từ giai đoạn đầu của cây lúa.

- Áp dụng các biện canh tác đồng bộ để giúp cây lúa khoẻ, nhất là giai đoạn lúa non để tăng sức đề kháng của cây.

Trong giai đoạn lúa từ phân hóa đòng trở đi, cần thường xuyên quan sát kỹ ruộng lúa để sớm phát hiện rầy lưng trắng. Khi phát hiện có rầy lưng trắng, tiến hành phun thuốc trừ rầy ở ruộng đó và các ruộng xung quanh, dùng thuốc trừ rầy nội hấp hoặc thuốc trừ rầy tiếp xúc Bassa 50EC.

Việc tiêu hủy cả ruộng lúa bị bệnh chỉ thực hiện khi ruộng lúa không còn khả năng cho năng suất (nhiễm nặng, khó phục hồi được). Trước khi tiêu hủy cần phun thuốc trừ rầy bằng các loại thuốc tiếp xúc; tiêu hủy và tiến hành cấy, gieo thẳng lại nếu còn thời gian.

 

Xem thêm
Ẩn bớt
Câu hỏi
Nhận biết sớm bệnh đạo ôn hại lúa? Phòng trừ bằng cách nào?
Người gửi: Chị Hồng - Yên Bái - 07/09/2021
Trả lời

BỆNH ĐẠO ÔN HẠI LÚA VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

1. Triệu chứng và tác nhân gây hại

Bệnh do nấm Pyricularia oryzae gây ra. Nấm bệnh có thể tấn công trên lá, thân, cổ bông, cổ gié hoặc hạt lúa. Trên lá, ban đầu vết bệnh rất nhỏ, phần thịt lá ở giữa vết bệnh đã bị hoại tử và biến thành khô xám; sau đó vết bệnh lớn dần và có hình thoi, đây là vết bệnh đặc trưng của đạo ôn. Khi bị nặng, nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau làm cho toàn lá bị "cháy". Nguy hiểm nhất là khi nấm tấn công trên cổ bông và cổ gié, làm cho toàn bộ bông hoặc gié bị khô và gãy gục.

 2. Điều kiện phát sinh phát triển 

Trong điều kiện trời âm u, ít nắng, thời tiết mát, ẩm độ cao, kết hợp đêm có sương mù nhiều giúp bệnh phát triển mạnh. Bệnh thường gây hại nặng trên giống lúa nhiễm bệnh, gieo sạ dày, bón phân không cân đối, thừa đạm.

 3. Biện pháp quản lý bệnh đạo ôn  đạt hiệu quả

     - Chọn giống kháng bệnh hoặc ít nhiễm để gieo trồng (tham khảo cán bộ khuyến nông của địa phương, hoặc trên tài liệu, trên thông tin của truyền thông...). Xử lý hạt giống trước khi gieo sạ.

       - Trước khi gieo trồng, vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư cây bệnh vụ trước (trục và dìm kỹ gốc rạ), dọn sạch cỏ dại quanh bờ.

      - Không gieo (sạ), cấy quá dày để cây lúa được khỏe mạnh, kháng được bệnh (áp dụng theo lượng giống khuyến cáo của chương trình IPM).

      - Bón phân cân đối hợp lý, không bón thừa đạm, nên sử dụng phân bón theo bảng so màu lá lúa (khi lúa bị thừa đạm, lá có màu xanh đậm và sẽ không đứng thẳng mà nằm ngang).

       - Khi điều kiện thời tiết phù hợp cho bệnh phát sinh, phát triển như đã nêu ở trên, có thể chủ động phòng ngừa trước như: Không bón dư phân đạm, tăng cường phân kali, chủ động phun thuốc đặc trị.

       - Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khoanh vùng thống kê diện tích nhiễm bệnh, khi ruộng chớm nhiễm bệnh cần giữ đủ nước; đối với diện tích nhiễm bệnh nặng cần vơ bỏ lá bệnh, đem tiêu hủy, đồng thời sử dụng các loại thuốc đặc trị để phòng trừ theo hướng dẫn trên nhãn thuốc.

      - Sử dụng một trong số các loại thuốc đặc hiệu: Kasoto 200SC, Kabim 30WP, Fuji-One 40WP, Difusan 40EC.

 * Chú ý khi phun xịt thuốc: Phun đủ lượng nước với bec phun tơi sương, phun khi ruộng đã ráo sương hoặc ráo nước sau mưa. Có thể phun trước khi lúa trổ hoặc sau khi lúa đã trổ đều. Chú ý tuân thủ nguyên tắc 4 đúng khi phun: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách.

 

Xem thêm
Ẩn bớt
Câu hỏi
Bệnh khô vằn và biện pháp phòng trừ
Người gửi: Hải - Thái Bình - 07/09/2021
Trả lời

BỆNH KHÔ VẰN VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

1. Triệu chứng 

Bệnh khô vằn gây hại chủ yếu ở bẹ lá, phiến lá và cổ bông. Các bẹ lá sát mặt nước hoặc bẹ lá già ở dưới gốc thường là nơi phát sinh bệnh đầu tiên.

Vết bệnh ở bẹ lá lúc đầu là vết đốm hình bầu dục màu lục tối hoặc xám nhạt, sau lan rộng ra thành dạng vết vằn da hổ, dạng đám mây. Khi bệnh nặng, cả bẹ và phần lá phía trên bị chết lụi.

Vết bệnh ở lá tương tự như ở bẹ lá, thường vết bệnh lan rộng ra rất nhanh chiếm hết cả bề rộng phiến lá tạo ra từng mảng vân mây hoặc dạng vết vằn da hổ. Các lá già ở dưới hoặc lá sát mặt nước là nơi bệnh phát sinh trước sau đó lan lên các lá ở trên.

Vết bệnh ở cổ bông thường kéo dài bao quanh cổ bông, hai đầu vết bệnh có màu xám loang ra, phần giữa vết bệnh màu lục sẫm co tóp lại.

Trên vết bệnh ở vị trí gây hại đều xuất hiện hạch nấm màu nâu, hình tròn dẹt hoặc hình bầu dục nằm rải rác hoặc thành từng đám nhỏ trên vết bệnh. Hạch nấm rất dễ dàng rơi ra khỏi vết bệnh và nổi trên mặt nước ruộng.

https://vietyen.bacgiang.gov.vn/images/22791/153/994/197/980/7/1539941979807.png

(Hình ảnh: Bệnh khô vằn hại lúa)

2. Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh khô vằn do nấm Rhizoctonia solani gây nên, ngoài hại trên cây lúa loại nấm này còn gây hại trên một số loài cây trồng khác như đậu tương, ngô, mía, đậu đỗ...

3. Đặc điểm phát sinh phát triển

Bệnh khô vằn phát sinh mạnh trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao. Nhiệt độ thích hợp cho bệnh phát triển khoảng 24 - 32 oC và ẩm độ bão hoà hoặc lượng mưa cao thì bệnh phát sinh phát triển mạnh, tốc độ lây lan nhanh. Bệnh thường phát sinh trước tiên ở các bẹ và lá già sát mặt nước hoặc ở dưới gốc. Tốc độ lây lan lên các lá phía trên phụ thuộc rất nhiều và thời tiết mưa nhiều, lượng nước trên đồng ruộng quá cao, đặc biệt ở các ruộng nhiều nước, gieo cấy quá dày, cấy nhiều dảnh.

Sự phát triển của bệnh khô vằn ở thời kỳ đầu từ cây mạ đến đẻ nhánh có mức độ bệnh ít. Giai đoạn làm đòng - trỗ đến chín sáp là thời kỳ nhiễm bệnh nặng. Ở miền Bắc nước ta bệnh khô vằn gây hại trong vụ Mùa nặng hơn ở vụ Đông Xuân.

Sự phát sinh phát triển của bệnh có liên quan nhiều tới chế độ nước trên đồng ruộng và chế độ phân bón. Bón phân đạm nhiều, bón đạm lai rai, bón thúc đòng muộn bệnh sẽ phát sinh phát triển mạnh hơn. Bón phân kali có tác dụng  giảm mức độ nhiễm bệnh của cây.

Nguồn bệnh chủ yếu là hạch nấm tồn tại ở trên đất ruộng và sợi nấm ở gốc rạ và lá bị bệnh còn sót lại sau thu hoạch. Hạch nấm có thể sống một thời gian dài sau thu hoạch, nảy mầm thành sợi nấm và xâm nhiễm gây bệnh cho vụ sau. Quá trình xâm nhiễm lặp lại thường xảy ra qua tiếp xúc giữa hạch nấm và bẹ lá úa. Giống lúa lai nhiễm bệnh nặng hơn so với các giống lúa thuần.

4. Biện pháp phòng trừ

Phòng trừ bệnh khô vằn chủ yếu là áp dụng tổng hợp các biện pháp như cày sâu để vùi hạch nấm, gieo cấy đúng thời vụ, mật độ gieo cấy hợp lý, bón phân đầy đủ, bón theo nhu cầu của cây và bón cân đối giữa các loại phân để tăng cường tính chống chịu của cây.

Hệ thống tưới tiêu chủ động và không để mức nước quá cao trong trường hợp bệnh đang lây lan mạnh.

Sử dụng một trong các loại thuốc để phòng trừ bệnh khô vằng như: Vida 5WP, Moren 20WP, Tiptop 250EC, Namotor 100SC.

Sử dụng thuốc hoá học phòng trừ bệnh chỉ đem lại hiệu quả cao khi bệnh mới phát sinh ở những bẹ lá già và cần phun ướt đẫm đều thân, lá cây.

 

Xem thêm
Ẩn bớt
Câu hỏi
Đặc điểm các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa?
Người gửi: Long An Giang - 19/05/2021
Trả lời

Cây lúa trải qua 10 giai đoạn sinh trưởng, phát triển như sau:

1. Giai đoạn trương hạt

Giai đoạn ngâm ủ hạt giống là giai đoạn quan trọng trong việc xử lý mầm bệnh trên hạt giống, hạn chế sự lây lan và phát triển mầm bệnh trên đồng ruộng.

Tiến hành xử lý hạt giống bằng nước sạch theo quy tắc pha 3 sôi, 2 lạnh (54oC). Việc ngâm ủ hạt giống sẽ phá ngủ nghỉ, kích thích quá trình nảy mầm của hạt giống. Khi hạt giống đã hút đủ lượng nước cần thiết, hạt sẽ nứt nanh và nảy mầm.

2. Giai đoạn nảy mầm

Hạt đã hút no nước được vớt ra, đãi sạch và ủ hạt từ 24 - 30 giờ. Trong suốt quá trình ngâm ủ, trong hạt xảy ra các hoạt động hoạt hoá tinh bột, protein và các chất béo để biến đổi thành những chất đơn giản cung cấp dinh dưỡng nuôi phôi, các tế bào phôi phân chia lớn lên thành mầm và rễ mầm, trục phôi trương to, đẩy mầm và rễ mầm ra khỏi vỏ trấu, kết thúc giai đoạn nảy mầm.

Điều kiện ảnh hưởng đến sự nẩy mầm:

- Sức nẩy mầm của hạt: Thu hoạch lúa đảm bảo độ chín, bảo quản tốt sức nảy mầm của hạt tốt hơn. Hạt giống có vỏ trấu mỏng thường hút nước nhanh hơn giống vỏ dày, do đó thời gian nảy mầm thường ngắn hơn.

- Độ ẩm: Hạt giống nảy mầm khi hàm lượng nước của hạt đạt 25 - 35% (không nẩy mầm nếu hàm lượng nước của hạt dưới 13%). Tốc độ hút nước của hạt phụ thuộc vào nhiệt độ không khí và nhiệt độ nước. Trong điều kiện thời tiết lạnh vụ Đông Xuân, nên ngâm hạt giống với nhiệt độ nước 25 - 30 oC để rút ngắn thời gian ngâm. Tuy nhiên thời gian ngâm quá dài, hạt hút nhiều nước, tinh bột trong hạt gạo phân giải thành đường rồi hoà tan trong nước làm tiêu hao chất dự trữ trong hạt. Đồng thời, hạt dễ bị chua, thối hoặc mầm yếu.

- Nhiệt độ: nhiệt độ giới hạn thấp nhất là 10 -12oC , nhiệt độ thích hợp là 30 -35oC, nhiệt độ lớn hơn 40oC có hại cho sự nảy mầm .

Khi hạt nảy mầm cũng cần phải có đủ lượng không khí, chủ yếu là oxy cho mầm và rễ mầm phát triển.

Do vậy, trong kỹ thuật ngâm ủ, người ta điều tiết quan hệ nước, oxy để khống chế sự phát triển của mầm và rễ. Kinh nghiệm ”ngày ngâm đêm ủ” cũng là một biện pháp điều tiết sự phát triển của mầm và rễ cho phù hợp.

3. Giai đoạn đẻ nhánh

Điều kiện bình thường sau cấy 5 - 7 ngày cây lúa có thể bén rễ hồi xanh, chuyển sang đẻ nhánh. Trời âm u, thiếu ánh sáng, nhiệt độ thấp, thời gian bén rễ hồi xanh kéo dài 15 - 20 ngày, thậm chí 25 - 30 ngày ở vụ Đông Xuân phía Bắc.

Thời kỳ đẻ nhánh, cây lúa sinh trưởng nhanh và mạnh về rễ và lá. Thời kỳ này quyết định đến sự phát triển diện tích lá và số bông.

Thời gian đẻ nhánh phụ thuộc vào giống, thời vụ và biện pháp kỹ thuật canh tác. Thời gian đẻ nhánh có thể kéo dài trên dưới 2 tháng ở vụ Đông Xuân, 40 - 50 ngày ở vụ Mùa, 20 - 25 ngày ở vụ Hè Thu.

Trong một vụ, các trà cấy sớm có thời gian đẻ nhánh dài hơn các trà cấy muộn. Thúc đạm sớm, quá trình đẻ nhánh sớm. Bón phân nhiều, muộn, thời gian đẻ nhánh kéo dài. Mật độ gieo, cấy thưa thời gian đẻ nhánh dài hơn so với gieo, cấy dày. Tuổi mạ non thời gian đẻ nhánh dài hơn so với mạ già.
Trên cây lúa chỉ có những nhánh đẻ sớm, ở vị trí mắt đẻ thấp, có số lá nhiều, điều kiện dinh dưỡng thuận lợi mới có điều kiện phát triển đầy đủ để trở thành nhánh hữu hiệu      (nhánh thành bông).
Giai đoạn này cần chăm sóc hợp lý để đảm bảo số nhánh hữu hiệu, số lá và số bông, tránh bón phân nhiều, bón muộn làm cho lúa đẻ nhánh lai rai thường làm tăng tỷ lệ nhánh vô hiệu, ảnh hưởng đến tiêu hao dinh dưỡng cũng như tăng cường sự phá hoại của sâu, bệnh.

4. Giai đoạn phát triển lóng, đốt thân

Trên đồng ruộng sau khi đạt số nhánh tối đa cây lúa chuyển sang thời kỳ làm đốt

* Thời gian làm đốt

- Thời gian làm đốt dài hay ngắn có liên quan chặt chẽ đến thời kỳ trỗ bông, cũng như liên quan đến số lóng kéo dài trên thân nhiều hay ít.

- Giống lúa ngắn ngày có thời gian làm đốt khoảng 25 - 30 ngày, giống lúa trung ngày 30 - 40 ngày và dài ngày khoảng 50 - 60 ngày. Thời gian làm đốt cũng có những quy luật nhất định: ở vụ Mùa, cây lúa làm đốt vào trung tuần tháng 8, trước khi làm đòng 7 đến 20 ngày tuỳ giống; ở vụ Đông Xuân, cây lúa làm đốt vào trung tuần tháng 3, trước khi làm đòng 5 - 7 ngày.

- Thời gian làm đốt, làm đòng của các giống ngắn ngày được bắt đầu cùng một lúc. Do đó thời gian làm đốt làm đòng bằng nhau. Đôi khi cũng có giống lúa phân hoá đòng rồi mới làm đốt, trong trường hợp này thời gian làm đốt ngắn hơn làm đòng.

* Quá trình làm đốt:

- Thân lúa được phát triển từ trục phôi. Trong thời kỳ sinh trưởng dinh dưỡng, thân lúa là thân giả do các bẹ lá tạo thành. Từ thời kỳ làm đốt trở đi, thân lúa chính thức mới hình thành.

- Quá trình làm đốt được tính khi lóng thứ nhất ở gốc thân có chiều dài lớn hơn 0,5 cm . Các lóng ở dưới gốc thường ngắn, tốc độ phát triển chậm. Các lóng trên dài hơn và tốc độ phát triển nhanh hơn.

- Số lóng và kích thước lóng: Số lóng trên thân phụ thuộc vào giống. Giống lúa trung ngày có 6 - 7 lóng, giống lúa ngắn ngày có 4 - 5 lóng.

5. Giai đoạn phân hóa hoa, làm đòng

Giai đoạn làm đòng (từ phân hoá đòng đến đòng già), là quá trình phân hoá và hình thành cơ quan sinh sản, có ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa. Ở thời kỳ này, cây lúa có những thay đổi rõ rệt về hình thái, màu sắc lá, sinh lý, khả năng chống chịu ngoại cảnh.

Quá trình này diễn ra ở đỉnh điểm sinh trưởng của các nhánh cây lúa, có thể nhìn thấy đòng lúa bắng mắt thường khi đòng đã dài 1mm, nông dân gọi là cứt gián.

Sau khi hình thành bông nguyên thủy là giai đoạn vươn dài kết hợp với sự hình hình thành bông, gié và hoa hoàn chỉnh. Lúc này chiều dài của đòng có thể đạt từ 6 - 12cm, bằng 1/2 chiều dài của bông sau này. Đòng lúa lớn dần, phình to và phát triển cả về chiều dài.

Giai đoạn làm đòng kết thúc khi cây lúa có đòng già chuẩn bị trỗ bông. Từ giai đoạn bông nguyên thuỷ cây lúa còn hình thành được ba lá nữa, không kể lá đòng

6. Giai đoạn trỗ bông

Khi đòng đã hoàn chỉnh cây lúa bắt đầu trỗ. Toàn bộ bông lúa thoát ra khỏi bẹ lá đòng là quá trình trỗ xong với thời gian 4 - 6 ngày. Thời gian trỗ càng ngắn càng có khả năng tránh được các điều kiện thời tiết bất thuận. Cùng với quá trình trỗ bông, có giống vừa nở hoa vừa thụ phấn ngay, nhưng cũng có giống phải chờ trỗ xong mới tiến hành nở hoa thụ phấn.

7. Giai đoạn nở hoa, thụ phấn

- Trên một bông, những hoa ở đầu bông và đầu gié nở trước, các hoa ở gốc bông thường nở cuối cùng. Trình tự nở hoa có liên quan đến trình tự vào chắc. Những hoa gốc bông nở cuối cùng, nên vào chắc muộn và khi gặp điều kiện bất thuận thường dễ bị lép và khối lượng hạt thấp.

- Thời gian hoa nở rộ thường vào 8 - 9 giờ sáng khi điều kiện thời tiết thuận lợi.

Khi nở hoa phơi màu, vỏ trấu mở ra. Bao phấn vỡ, hạt phấn rơi vào đầu nhụy, ống phấn vươn dài tới phôi nang, vỡ ra, giải phóng 2 hạch đực: 1 hạch kết hợp với trứng và phát triển thành phôi; hạch đực còn lại kết hợp với hạch thứ cấp và phát triển thành phôi nhũ.

Sau 8 - 10 ngày có thể phân biệt rõ các bộ phận của phôi như trục phôi, mầm và rễ phôi. Sau 2 tuần phôi đã phát triển xong và nằm ở dưới bụng hạt.

Phải mất khoảng một tuần các hoa trên cùng một bông lúa mới nở hết. Sau khi trỗ 10 ngày thì tất cả các hoa trên bông lúa đều được thụ tinh xong, bắt đầu phát triển thành hạt. Những hoa lúa không được thụ tinh, hạt sẽ bị lép.

8. Giai đoạn chín sữa

Giai đoạn chín sữa bắt đầu sau khi phơi màu từ 5 - 7 ngày, chất dự trữ trong hạt lúa ở dạng lỏng và trắng như sữa; hình dạng hạt đã hoàn thành, lưng hạt có màu xanh; trọng lượng hạt trong thời kỳ này tăng rất nhanh, có thể đạt 75 - 80% trọng lượng cuối cùng của hạt thóc.

9. Giai đoạn chín sáp

Giai đoạn chín sáp là giai đoạn mà chất dịch trong hạt thóc dần dần đặc lại, khiến cho hạt lúa cứng; màu xanh ở lưng hạt thóc dần chuyển màu vàng và trong giai đoạn này trọng lượng hạt thóc tiếp tục tăng lên.

10. Giai đoạn chín hoàn toàn

Giai đoạn chín hoàn toàn khi vỏ trấu từ màu vàng chuyển sang vàng nhạt và hạt thóc chắc cứng, cũng là lúc hạt thóc đạt trọng lượng tối đa. Lúc này có thể bắt đầu tiến hành thu hoạch lúa.

Để chăm sóc lúa đạt năng suất lúa cao nhất cần thực hiện đúng quy trình canh tác, phòng trừ dịch hại kịp thời.

Xem thêm
Ẩn bớt
Câu hỏi
Kỹ thuật trồng bưởi
Người gửi: thuynguyen - 18/05/2021
Trả lời

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY BƯỞI

1. Kỹ thuật trồng bưởi

- Sử dụng giống: Sử dụng giống tốt, lý lịch giống rõ ràng, đảm bảo cây khỏe, không bị sâu bệnh.

- Chọn đất, làm đất:

  • Đất thoát nước tốt, xốp, giàu mùn, tầng canh tác dầy.
  • Làm đất sạch cỏ, đào hố 60 x 60 x 60cm đối với đất bằng, kích thước lớn hơn đối với đất đồi.

- Trồng cây:

  • Thời vụ: Vụ Xuân: Tháng 2 - 4; Vụ Thu: Tháng 8 - 10.
  • Mật độ: 300 – 400 cây/ha; cây cách cây 5m.
  • Cách trồng: Trộn đất với phân chuồng đã ủ hoai mục (30 - 50kg), lấp hố thành mô cao hơn 20 – 30cm đối với đất bằng phẳng, trồng cây giữa hố, sau đó vun đất, nén chặt, tưới đẫm. Nên trồng xen một vài cây bưởi khác giống để thụ phấn chéo.

2. Chăm sóc

  • Tỉa cành, tạo tán cây: Bấm ngọn khoảng 40cm với các cành cấp 1, 2, 3 sao cho bưởi có tán đẹp, đều ra các phía.
  • Tưới nước thường xuyên để đảm bảo đủ độ ẩm, làm sạch cỏ, trồng xen các cây họ đậu để cải tạo đất, hạn chế cỏ dại.
  • Bón phân giai đoạn kiến thiết cơ bản: Tháng 11 - 12 bón toàn bộ phân chuồng, vôi bột, NPK 5.10.3 (lượng bón tùy độ lớn của cây), bón thúc bằng NPK 12.5.10 (tháng 2 bón 40%, tháng 5 bón 30%, tháng 8,9 bón 30%).
  • Bón phân thời kỳ cho quả: Lần 1: bón vào tháng 12 đến đầu tháng 1: phân hữu cơ, vôi, NPK 5.10.3 vào xung quanh tán. Lần 2, 3, 4: tháng 2: 50% NPK 16.8.16; tháng 5: 30% NPK 16.8.16, tháng 7 -8: 20% NPK 16.8.16. Có thể dùng phân bón hòa tan Solar (5 CHIM ÉN) nếu dùng phương pháp tưới nhỏ giọt.
  • Trong thời kỳ mang quả: Cắt tỉa cành sâu, cành vô hiệu trước và trong thời kỳ mang quả.
  • Tưới nước: Tốt nhất là thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt. Lưu ý thời kỳ phân hóa mầm hoa (tháng 12, 1) không tưới, cần tạo khô hạn để kích thích phân hóa mầm hoa.
  • Nên dùng túi bao quả bưởi vào tháng 5 để tránh các loại sâu hại chích hút, sau đó tháo túi trước thu hoạch 1 - 1,5 tháng để quả chuyển mã đẹp.

 

 

  

Xem thêm
Ẩn bớt
Gửi câu hỏi
0.05556 sec| 2514.281 kb