BỆNH KHÔ VẰN HẠI LÚA VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

admin | 26/09/2021
Bệnh khô vằn (đốm vằn) gây hại cho cây lúa, ngô, mía, đậu tương...Bệnh phát sinh và lây lan mạnh trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao.
BỆNH KHÔ VẰN HẠI LÚA VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

Triệu chứng gây hại

Bệnh khô vằn hại lúa do nấm Rhizoctonia solani gây nên; ngoài ra bệnh còn gây hại trên một số loài cây trồng khác như, ngô, mía, đậu đỗ, đậu tương...

Bệnh khô vằn gây hại chủ yếu ở bẹ lá, phiến lá và cổ bông. Các bẹ lá sát mặt nước hoặc bẹ lá già ở dưới gốc thường là nơi phát sinh bệnh đầu tiên.

Vết bệnh ở bẹ lá, ban đầu là vết đốm hình bầu dục màu lục tối hoặc xám nhạt; sau lan rộng ra thành dạng vết vằn da hổ, dạng đám mây. Khi bệnh nặng, cả bẹ và phần lá phía trên bị chết lụi.

Vết bệnh ở lá tương tự như ở bẹ lá, thường vết bệnh lan rộng ra rất nhanh chiếm hết cả bề rồng phiến lá tạo ra từng mảng vân mây hoặc dạng vết vằn da hổ. Các lá già ở dưới hoặc lá sát mặt nước là nơi bệnh phát sinh trước sau đó lan lên các lá ở trên.

Vết bệnh ở cổ bông thường là vết kéo dài bao quanh cổ bông, hai đầu vết bệnh có màu xám loang ra, phần giữa vết bệnh màu lục sẫm co tóp lại.

Trên vết bệnh ở các vị trí gây hại đều xuất hiện hạch nấm màu nâu, hình tròn dẹt hoặc hình bầu dục nằm rải rác hoặc thành từng đám nhỏ trên vết bệnh. Hạch nấm rất dễ rơi ra khỏi vết bệnh và nổi trên mặt nước ruộng.

Đặc điểm phát sinh, phát triển

Bệnh khô vằn phát sinh và lây lan mạnh trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao: Nhiệt độ khoảng 24 - 32 oC và ẩm độ bão hoà hoặc lượng mưa cao. Bệnh thường phát sinh trước tiên ở các bẹ và lá già sát mặt nước hoặc ở dưới gốc, sau lan dần lên các lá phía trên. Ở nhiệt độ dưới 12 oC và trên 38 oC nấm ngừng sinh trưởng. Hạch nấm hình thành nhiều ở nhiệt độ 30 - 32 oC; khi nhiệt độ quá thấp (< 12 oC)   và quá cao (> 40 oC) nấm không hình thành hạch nấm. Nấm là loại bán ký sinh thuộc nhóm AG1 type 2 hại lúa, tuy nhiên cũng có tính chuyên hóa rộng; phạm vi ký chủ gồm trên 180 loài cây trồng khác nhau như: lúa, đại mạch, đậu tương, đậu đỗ, ngô, mía, dâu…thuộc các nhóm liên hợp AG khác nhau.

Sự phát triển của bệnh khô vằn ở thời kỳ đầu từ cây mạ đến đẻ nhánh có mức độ bệnh ít. Giai đoạn làm đòng - trỗ đến chín sáp là thời kỳ nhiễm bệnh nặng. Ở miền Bắc nước ta bệnh khô vằn gây hại trong vụ Mùa nặng hơn ở vụ Đông Xuân.

Sự phát sinh phát triển của bệnh khô vằn có liên quan nhiều tới chế độ nước trên đồng ruộng và chế độ phân bón. Bón phân đạm nhiều, bón đạm lai rai, bón thúc đòng muộn bệnh sẽ phát sinh phát triển mạnh hơn. Bón phân kali có tác dụng  giảm mức độ nhiễm bệnh của cây.

Nguồn bệnh chủ yếu là hạch nấm tồn tại ở trên đất ruộng và sợi nầm ở gốc rạ và lá bị bệnh còn sót lại sau thu hoạch. Hạch nấm có thể sống một thời gian dài sau thu hoạch, nảy mầm thành sợi nấm và xâm nhiễm gây bệnh cho vụ sau. Quá trình xâm nhiễm lặp lại thường xảy ra qua tiếp xúc giữa hạch nấm và bẹ lá úa. Giống lúa lai nhiễm bệnh nặng hơn so với các giống lúa thuần.

Biện pháp phòng trừ

- Biện pháp canh tác:
       + Vệ sinh đồng ruộng thật tốt.
       + Làm sạch cỏ bờ ruộng, cắt ngay nguồn lây lan
       + Cày phơi ải, lật đất để vùi hạch nấm.
       + Đốt rơm rạ sau khi thu hoạch.
       + Gieo sạ với mật độ thích hợp.
       + Bón NPK cân đối, tránh bón thừa đạm.

- Biện pháp hóa học: 

Dùng một số loại thuốc sau để phòng trừ, gồm:

       + Moren 25WP: Liều lượng: 800 g/ha. Pha 15 - 20g thuốc với 12 - 16 lít nước.

       + Namotor 100SC: Liều lượng: 250 ml/ha. Pha 10ml thuốc với 16 - 20 lít nước.

     + Still Liver 300ME: Liều lượng: 300 - 400 ml/ha. Pha 20ml thuốc với 20 - 25 lít   nước.

       + Vida 5WP: Liều lượng: 0,75 - 1 kg/ha. Pha 25 - 40g thuốc với 16 - 20 lít nước.

* Cách phun: Phun ướt đẫm đều thân, lá lúa

* Thời điểm phun: Khi bệnh chớm xuất hiện.

                                                       

0 bình luận

TVQuản trị viênQTV

Chào mừng, quý khách. Hãy để lại nhận xét, chúng tôi sẽ trả lời sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
0.04271 sec| 2553.484 kb