SÂU CUỐN LÁ NHỎ HẠI LÚA – BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

admin | 26/09/2021
Sâu cuốn lá nhỏ hại lúa có tên khoa học là Cnaphalocrocis medinalis thuộc họ Ngài sáng (Pyralidae), bộ Cánh vảy (Lepidoptera) thường xuất hiện và gây hại nặng cho cây lúa ở nước ta vào các giai đoạn: đẻ nhánh, phân hóa đòng và trỗ.
SÂU CUỐN LÁ NHỎ HẠI LÚA – BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

1. Triệu chứng gây hại

Lá lúa bị cuốn, sâu non ăn biểu bì mặt trên và diệp lục của lá dọc theo gân lá tạo thành những vệt trắng dài, các vệt này có thể nối liền với nhau thành từng mảng làm giảm diện tích quang hợp, đặc biệt là trên lá đòng hoặc lá công năng sẽ làm giảm năng suất rõ rệt.

2. Đặc điểm hình thái

- Sâu trưởng thành (bướm, ngài): Chiều dài thân 8 - 12mm, sải cánh rộng 19 - 23mm, nền cánh màu vàng rơm, bìa cánh có 1 đường viền màu nâu đậm, giữa cánh có 3 sọc màu nâu, 2 sọc bìa dài và sọc giữa ngắn; khi đậu, bướm xếp cánh thành hình tam giác và khi có tác động  chúng bay rất nhanh. Một bướm cái có thể đẻ đến 300 trứng; trứng được đẻ rải rác hay thành từng nhóm dọc gân chính của lá, mỗi nhóm từ 10 - 12 trứng ở cả hai mặt lá, nhưng mặt trên có nhiều trứng hơn.

                                                                        

- Trứng: Hình bầu dục dài khoảng 0,5mm, màu trắng, chuyển sang màu vàng nhạt khi sắp nở.

- Sâu non: Mới nở màu trắng sữa, có lông nâu phủ khắp mình, đầu màu nâu đen; sâu lớn đẫy sức dài khoảng 19 - 22mm, màu xanh lá mạ, thân chia đốt rất rõ ràng.

- Nhộng: Dài 7 - 10mm màu vàng - nâu đậm.

Vòng đời

Vòng đời của sâu cuốn lá nhỏ hại lúa trung bình khoảng 30 - 35 ngày, trong đó:

            + Sâu trưởng thành (bướm, ngài): 5 - 10 ngày.

            + Trứng: 3 - 5 ngày.

           + Sâu non: 15 - 28 ngày. Sâu non có 5 - 6 tuổi. Sâu non tuổi 2 - 3 nhả tơ khâu mép lá cuốn lại tạo thành bao để sống nên gây khó khăn trong việc phòng trừ. Sâu cuốn lá nhỏ gây hại bằng cách ăn mô lá chỉ chừa lại lớp biểu bì màu trắng; ruộng lúa bị hại trông xơ xác, nhìn từ xa thấy bạc trắng, làm giảm khả năng quang hợp, cây lúa sinh trưởng phát triển kém, hạt bị lép lửng nhiều, ảnh hưởng đến năng suất. Một con sâu cuốn lá nhỏ thường gây hại 3 - 5 lá trong một vòng đời và hóa nhộng ngay trong bao lá.

            + Nhộng: 6 - 10 ngày

Lưu ý: vết thương ở mép lá do sâu cuốn lá gây nên, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút xâm nhập và gây hại cho cây lúa.

4. Tập quán sinh sống và gây hại

- Bướm thường vũ hóa về ban đêm, từ 9 giờ tối đến sáng hôm sau. Ban ngày bướm ẩn mình trong khóm lúa hoặc cỏ dại; khi bị tác động, bay một đoạn ngắn trên lá lúa.

      + Tất cả những hoạt động như giao phối, đẻ trứng thường diễn ra vào ban đêm.

     + Bướm bị ánh sáng đèn thu hút, nhất là bướm cái. Bướm cái đẻ trứng ở các ruộng lúa hoặc mạ có màu xanh đậm, rậm rạp và thích tập trung nhiều ở những ruộng gần bờ mương, gần nhà ở hoặc đường đi có bóng mát.

- Sâu non mới nở rất nhanh nhẹn, bò khắp trên lá, thân cây và chui vào lá non ăn phần xanh, chừa lại lớp màng trắng mỏng trên lá lúa.

     + Sâu non tuổi 2, bò đến các lá già nhả tơ ở khoảng giữa 2 bìa lá lúa, sợi tơ gặp không khí khô và rút 2 bìa lá lại, mặt trên lá cuốn vào bên trong thành một cái bao theo chiều dọc lá lúa, sâu ẩn trong đó và ăn phần xanh của lá để sinh sống; thường có 1 sâu non trong 1 bao lá.

      + Sâu tuổi lớn có thể gây hại 1 - 2 lá lúa trong một ngày và có khả năng nhả tơ gập lá theo chiều ngang, đôi khi chập 2 - 5 lá cuốn thành 1 bao.

      + Sâu nằm trong bao, ăn phá suốt ngày đêm; có thể di chuyển hẳn ra khỏi bao cũ để gây hại các lá mới. Một con sâu từ khi nở đến khi hóa nhộng có thể gây hại từ 3 - 5 lá.

      + Sâu thường di chuyển vào buổi chiều, nếu trong ngày trời mưa hoặc râm mát, sâu có thể di chuyển bất cứ lúc nào. Sâu non lớn đẫy sức chuyển từ màu xanh sang vàng hồng và có thể hóa nhộng ngay tại nơi sinh sống hoặc chui ra khỏi bao cũ tìm vị trí khác hóa nhộng.

     + Sâu có thể nhả tơ, cắn đứt hai đầu lá và bịt lại thành bao kín để hóa nhộng bên trong. Lá lúa bị sâu gây hại sẽ khô, cây héo, giảm năng suất, nhất là khi sâu gây hại lá đòng và lá công năng.

5. Các yếu tố ảnh hưởng đến mật độ sâu cuốn lá nhỏ

- Thức ăn: Giống lúa có bộ lá xanh đậm thường dễ thu hút bướm tới đẻ trứng, lúa được trồng nhiều vụ trong một năm nên trên đồng ruộng lúc nào cũng có thức ăn cho sâu.

- Thời tiết: Sâu cuốn lá nhỏ thường sinh trưởng và phát triển mạnh trong vụ Đông Xuân vì thời tiết thuận lợi để cây lúa phát triển tốt. Nhiệt độ thích hợp đối với sâu cuốn lá nhỏ là 25 - 29ºC và ẩm độ trên 80%.

- Thiên địch: Nhóm thiên địch của sâu cuốn lá nhỏ trên đồng ruộng chủ yếu gồm các loài sau:

            + Ong họ Trichogrammatidae ký sinh trứng.

            + Ong thuộc các họ Braconidae, Ichneumonidae, Chalcididae thường ký sinh sâu non và nhộng.

            + Nấm và virus ký sinh sâu non.

            + Một số loài bộ Cánh cứng ăn sâu non.

            + Một số loài nhện, chuồn chuồn ăn thành trùng (bướm).

6. Biện pháp phòng trừ

- Biện pháp canh tác, kỹ thuật:

Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, gieo trồng và chăm sóc lúa hợp lý; sử dụng phân bón cho lúa hiệu quả nhằm cung cấp đầy đủ, cân đối dinh dưỡng cho  cây lúa ngay từ đầu, tạo điều kiện cho cây lúa phát triển khỏe mạnh, cứng cáp, hạn chế sâu, bệnh hại.

- Biện pháp sinh học: 

Chú ý bảo vệ hoặc bổ sung thiên địch như ong mắt đỏ Trichogramma sp., nấm… Ký sinh thiên địch của sâu cuốn lá nhỏ rất đa dạng từ các loài ong, nấm, các loài ăn thịt… 

- Biện pháp hóa học:

Dùng các loại thuốc đặc trị sâu cuốn lá nhỏ, gồm:

      + Clever 150SC: Liều lượng: 140 - 200 ml/ha. Pha 6ml thuốc với 16 lít nước, phun cho 360 m2; pha 9ml thuốc với 20 lít nước, phun cho 500 m2. Phun thuốc khi sâu mới nở, tuổi 1 - 2 (sau cao điểm bướm rộ 4 - 5 ngày)

       + Clever 300WG: Liều lượng: 70 - 100g/ha. Pha 3g thuốc với 16 lít nước, phun cho 360 m2; pha 4,5g thuốc với 20 lít nước, phun cho 500 m2. Phun thuốc khi sâu mới nở, tuổi 1 - 2 (sau cao điểm bướm rộ 4 - 5 ngày)

     + Neretox 95WP: Liều lượng: 500 - 700g/ha. Pha 20 - 40g thuốc với 16 - 20 lít   nước. Phun khi sâu non tuổi 1 (sau cao điểm bướm rộ 5 - 7 ngày); nếu lứa bướm kéo dài, mật độ sâu cao nên phun thêm lần 2 sau 5 ngày.

      + Patox 95SP: Liều lượng: 600 - 700g/ha. Pha 20g thuốc với 16 lít nước, phun ướt đẫm đều thân, lá lúa. Phun khi sâu non mới nở, tuổi nhỏ hoặc sau cao điểm bướm rộ 5 - 7 ngày; nếu mật độ sâu cao, xen gối lứa kéo dài nên phun thêm lần 2 sau 5 - 7 ngày.

       + Subatox 75EC: Liều lượng: 1 - 1,2 lít/ha. Pha 25 - 40ml thuốc với 16 - 20 lít nước, phun ướt đẫm đều thân, lá lúa. Phun 5 - 7 ngày sau cao điểm bướm rộ, khi sâu non mới nở, tuổi nhỏ.

      + Trebon 10EC: Liều lượng: 700ml/ha. Pha 20 - 24ml thuốc với 16 - 20 lít nước, phun ướt đẫm đều thân, lá lúa. Phun khi sâu non mới nở, tuổi nhỏ.

      + V.K 16WP: Liều lượng: 1 - 2kg/ha. Pha 40 - 60g thuốc với 16 - 20 lít nước, phun ướt đẫm đều thân, lá lúa khi sâu mới nở, tuổi nhỏ.

                                                                                      

0 bình luận

TVQuản trị viênQTV

Chào mừng, quý khách. Hãy để lại nhận xét, chúng tôi sẽ trả lời sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
0.03745 sec| 2586.648 kb